Giảm nghèo là một công tác trí tuệ và bằng cả trái tim

Tại điểm cầu Cà Mau, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử, cùng lãnh đạo sở, ngành tỉnh tham dự.Tại điểm cầu Cà Mau, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử, cùng lãnh đạo sở, ngành tỉnh tham dự.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, tính đến năm 2020, ngân sách Trung ương đã bố trí cho Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 hơn 42.334 tỷ đồng/kế hoạch 41.449 tỷ đồng (đạt 101,02%), vượt 1,02% so với chỉ tiêu phê duyệt. Trong đó, tập trung vào vốn đầu tư phát triển, chiếm 72%. 28% còn lại hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; duy tu, bảo dưỡng; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá.

Qua đó, theo Chương trình 30a hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các huyện nghèo giai đoạn 2016 – 2019, có 1.815 công trình hạ tầng thiết yếu khởi công mới, công trình chuyển tiếp; hơn 500 công trình được duy tu, bảo dưỡng. Các công trình được ưu tiên đầu tư là giao thông liên xã kết nối thị trường, giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, kênh mương nội đồng…

Về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, đã xây dựng và đưa vào sử dụng trên 1.200 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu để phục vụ sản xuất và dân sinh như: Đường giao thông theo tiêu chuẩn nông thôn mới, đường giao thông nội đồng, đường dân sinh, kênh mương nội đồng tưới tiêu nước cho sản xuất và nuôi trồng thủy sản, chợ cá…; hơn 1.164 công trình được duy tu, bảo dưỡng.

Bên cạnh đó, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…

Cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm (chỉ tiêu Quốc hội giao giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước từ 1-1,5%/năm). Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%. Như vậy, sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Thu nhập bình quân hộ nghèo đến cuối năm 2018 tăng khoảng 1,4 lần so với cuối năm 2015; dự kiến đến cuối năm 2020, thu nhập hộ nghèo tăng 1,6 lần, vượt chỉ tiêu đề ra là 1,5 lần.

Tuy nhiên, hội nghị cũng đánh giá, kết quả giảm nghèo thời gian qua chưa thực sự mang tính bền vững tại một số địa phương. Tỷ lệ tái nghèo trong 4 năm 2016 – 2019 bình quân 4,09%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo (giai đoạn trước, tỷ lệ tái nghèo khoảng 12%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, trung bình giai đoạn 2016 – 2019 bằng 21,8% so với tổng số hộ thoát nghèo; do các nguyên nhân: Tách hộ, hậu quả của rủi ro thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường, nhất là ở vùng đồng bào DTTS. Sự chênh lệch giàu – nghèo, về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên: Tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%; tỷ trọng hộ nghèo DTTS chiếm trên 58,53% tổng số hộ nghèo trong cả nước (cuối năm 2019), thu nhập bình quân của hộ DTTS chỉ bằng 2/5 mức thu nhập bình quân của cả nước.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Công tác giảm nghèo là một công tác trí tuệ và bằng cả trái tim, cần phải quyết tâm cao hơn vì một Việt Nam không có đói nghèo; đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Nhân rộng các mô hình hiệu quả, huy động nguồn lực toàn xã hội và quốc tế thực hiện tốt chương trình này. Quan tâm đặc biệt đến dân tộc, miền núi. Quan tâm đến giao thông, dạy nghề, tạo sự thông thương – là con đường căn bản để gỉam nghèo bền vững. Tất cả các địa phương phải thực sự đổi mới, sáng tạo trong xây dựng và thực thi chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội, tạo điều kiện cho các mô hình giảm nghèo cộng đồng phát triển, coi nhiệm vụ giảm nghèo là trọng tâm của cấp ủy, chính quyền tại địa phương.

Chỉ đạo cần kịp thời tuyên dương những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thực hiện giảm nghèo bền vững, Thủ tướng đồng thời nhấn mạnh: Kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng chủ trương, chính sách giảm nghèo để trục lợi.

Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới mỗi xã, phường, thôn cần xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững, phát động phong trào giảm nghèo bền vững và để hỗ trợ hộ nghèo hiệu quả thì chính quyền cần sát dân, gần dân hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *