Hàng chục năm trông chờ một dự án…

Toàn ấp Tắc Thủ có 296 hộ dân, trong đó có 14 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo. Riêng trên tuyến sông Tắc Thủ có 64 hộ dân sinh sống.

Những ngôi nhà nằm chơ vơ, nguy hiểm rình rập từng ngày.

Chạy dọc theo tuyến sông Tắc Thủ dài 4.600m, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những khúc sông lồi, lõm, sâu, cạn mang hình một chiếc răng cưa. Có những ngôi nhà nằm chơ vơ ngay mé sông, bấp bênh và nguy hiểm.

Tuyến sông Tắc Thủ trước đây chỉ là một kênh xáng nhưng do ảnh hưởng của triều cường và sự tác động của các phương tiện đường thủy nên tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Lâu dần kênh thành sông khi nào chẳng ai còn nhớ. Ông Nguyễn Văn Khuôl, Trưởng ấp Tắc Thủ: “Cách đây vài năm, giao thông đường bộ phát triển nên phương tiện thủy có phần hạn chế, chứ trước đây không thể đếm hết một ngày có bao nhiêu lượt phương tiện thủy qua tuyến sông này”.

Các hộ dân sống ven sông thu nhập chủ yếu là nhờ vào nuôi tôm, cua. Nhưng do ảnh hưởng của thời tiết và điều kiện tự nhiên nên hàng năm, người dân vùng này hầu như chỉ nuôi tôm được 6 tháng, 6 tháng còn lại bỏ đất hoang, có hộ thì nuôi “cầm canh”, nhờ vào sự may rủi. Dù được tập huấn công tác phòng chống ngập úng do lũ, cách phòng chống sạt lở vào mùa mưa nhưng xem ra các hộ dân ở đây “lực bất tòng tâm”. Một người dân bộc bạch: “Mùa nắng thì còn đỡ, nhưng cứ vào độ khoảng tháng 5 âm lịch, người dân sống trên tuyến sông này lại thấp thỏm lo âu vì nước lên, cộng với những trận mưa lớn làm cho mực nước dâng cao, hơn 60ha đất nuôi trồng thủy sản trên tuyến sông này phút chốc thành biển nước mênh mông, có hộ thất trắng”.

Để có lộ đi lại giữa hai nhà, nhiều hộ tự thuê nhân công đào từng thùng đất để lấp sông làm lộ.

Không chỉ vậy, hàng chục hộ dân ở tuyến sông này còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện giao thương, đi lại. Dù cách trung tâm thành phố không xa nhưng muốn đến được thì phải ngồi đò hàng giờ đồng hồ, cuộc sống người dân nơi đây “tối lửa tắt đèn vẫn không đến được với nhau” vì bị chia cách bởi những khúc sông sạt lở. Nếu nhà nào không mua nổi cái xuồng làm phương tiện thì qua sông phải nhờ người cho quá giang hoặc có chuyện gấp là phải… lội sông. Trong khi đối diện là ấp Tắc Thủ (xã Hồ Thị Kỷ) có lộ thông thoáng, có trường học khang trang, còn người dân trên tuyến sông Tắc Thủ (xã Lợi An) còn khó khăn về điều kiện đi lại.

Nói về tình trạng khó khăn mà người dân trên tuyến sông này đang gặp phải, ông Cao Kiệt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lợi An: “Vấn đề này đã được người dân kiến nghị từ rất lâu. Mặc dù địa phương quản lý con người, nhưng chuyện nạo vét tuyến sông để người dân sản xuất thì không thuộc thẩm quyền của xã. Xã đã nhiều lần gửi tờ trình lên UBND huyện để mong sớm có câu trả lời. Vậy mà, đã nhiều năm qua, chính quyền và các hộ dân vẫn phải chờ và đợi”.

Thực tế, đã nhiều lần bà con nơi đây mong chờ Nhà nước đưa phương tiện vào nạo vét để ngăn tình trạng ngập do nước dâng làm ảnh hưởng đến sản xuất. Có nhiều hộ nóng lòng thuê phương tiện tư nhân nạo vét, đắp bờ ngăn ngập thì bị Đội Quản lý đường sông số 14 lập biên bản phạt, nên không có phương tiện nào dám sên cho người dân.

Mong muốn nhất của người dân là có một con lộ làm bằng đất đen vừa phục vụ cho việc đi lại, vừa phục vụ cho sản xuất. Tuyến lộ sẽ được đấu nối với Khóm 5, Phường 8 (TP. Cà Mau), không chỉ đi lại dễ dàng mà còn tạo điều kiện thuận lợi trao đổi mua bán và các em có điều kiện đến trường.

Trả lời về vấn đề này, ông Lưu Minh Nhựt, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời: “Huyện đã ghi nhận những kiến nghị của chính quyền xã qua những lần tiếp xúc cử tri của huyện, nhưng đây không nằm trong thẩm quyền của huyện nên huyện sẽ làm tờ trình gửi đến UBND tỉnh để được xem xét và có hướng giải quyết cho người dân”.

Ngành chức năng thì cứ hứa, người dân thì vẫn cứ chờ. Đã nhiều năm trôi qua, hơn 60 hộ dân trên tuyến sông vẫn trông chờ vào một dự án treo, không biết đến bao giờ được triển khai thực hiện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *