Hoạt động khoa học và công nghệ sẽ đi vào trọng tâm, trọng điểm

Việc chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất không những nâng cao năng suất, mà còn là chất lượng, tạo lợi thế cạnh tranh thương mại.

Gắn với tái cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới

Thông tin từ UBND tỉnh mới đây cho thấy, giai đoạn 2016 – 2018, trên địa bàn đã triển khai nhiệm vụ KH&CN về nghiên cứu cứng hóa đất bùn nạo vét để sử dụng trong san lấp mặt bằng nhằm thay thế cát, và đây là nhiệm vụ nghiên cứu cấp quốc gia. Cùng với đó, hoàn thiện công nghệ và hệ thống thiết bị sản xuất Chitosan từ phụ phẩm tôm quy mô công nghiệp.

Hiện tỉnh cũng đang triển khai 2 nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình nông thôn miền núi, gồm: Chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình trồng chuối già Philippines đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ở vùng U Minh Hạ; xây dựng mô hình trồng xen canh chanh không hạt với đu đủ ruột vàng trên vùng đất phèn nặng xã Khánh An, huyện U Minh. Đây là 2 chương trình được xem là phù hợp và sát thực tế, khi thành công sẽ góp phần rất lớn trong thay đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao giá trị nông nghiệp, đời sống người dân; thay đổi nhận thức sản xuất, nâng chất xây dựng nông thôn mới…

Đối với nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, đã tổ chức nghiệm thu 46 nhiệm vụ, trong đó lĩnh vực khoa học nông nghiệp chiếm đến 60,9%. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng đánh giá, những nhiệm vụ KH&CN triển khai thực hiện luôn bám sát quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, gắn liền với yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và thực hiện chương trình trọng điểm cấp quốc gia, cấp tỉnh.

Với Chương trình phát triển tài sản sở hữu trí tuệ, đã xây dựng bảo hộ được 13 nhãn hiệu; đồng thời đang tiếp tục xây dựng 5 hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm.

Việc áp dụng các công nghệ mới đã góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, hạn chế rủi ro cho người sản xuất. Điển hình minh chứng cho điều này là mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực tại thị trấn Thới Bình (huyện Thới Bình), cho năng suất bình quân từ 380 – 450kg/ha/vụ; mô hình nuôi cua bán thâm canh tại xã Hàm Rồng và Hàng Vịnh (huyện Năm Căn) cho năng suất trên 1,5 tấn/ha/vụ; nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ứng dụng công nghệ Semi – biofloc ở hai huyện Cái Nước và Phú Tân, đạt kết quả trung bình 45,3/ha/vụ…

Cà Mau đề xuất nghiên cứu phát triển nguồn gen chuối xiêm để tạo ngành hàng sản xuất có hiệu quả cao theo chuỗi giá trị tại địa phương, tập trung tại hai huyện U Minh và Trần Văn Thời.

Ít, nhưng đi vào thực chất hơn

Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, đã qua, việc nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả trên cơ sở ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất chưa mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Người dân còn trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của Nhà nước. Đa số đề tài, dự án sau khi kết thúc, hết sự hỗ trợ của Nhà nước thì việc duy trì và phát triển của địa phương luôn gặp nhiều khó khăn, có khi chỉ dừng lại ở mô hình thí điểm.

Trong thời gian tới, Cà Mau xác định cần triển khai có hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ KH&CN trọng tâm; trong đó ưu tiên bố trí nguồn nhân lực KH&CN có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hiệu quả, thực chất nhằm phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh các nghiên cứu về bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, giảm nhẹ tổn thương, tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra; nghiên cứu tạo nguồn vật liệu mới thay thế, phục vụ san lấp, xây dựng… Quan điểm này được thể hiện rõ khi số lượng đăng ký nhiệm vụ KH&CN năm 2019 giảm còn khoảng 70% so với cùng kỳ, số nhiệm vụ được phê duyệt giảm còn 3 nhiệm vụ/năm.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải, quan điểm của Tỉnh ủy và UBND tỉnh là không thực hiện đại trà các dự án ứng dụng, chuyển giao KH&CN, mà cần tập trung trọng điểm, đi vào những chương trình, nội dung cụ thể mang tính quy mô, có khả năng triển khai rộng rãi, áp dụng cho nhiều thành phần, đối tượng khi thực hiện hiệu quả, tạo sức lan tỏa, làm động lực và nền tảng phát triển rộng khắp. Theo đó, Cà Mau đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chủ trương thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản tại địa phương; hỗ trợ địa phương thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp Bộ (Bộ KH&CN) để giải quyết những vấn đề cấp thiết trong phát triển kinh tế – xã hội hiện nay…

Cà Mau hiện đã xây dựng được 10 nhãn hiệu tập thể, gồm: Mật ong U Minh Hạ, cá khô bổi U Minh, tôm khô Rạch Gốc, cua Năm Căn, mắm lóc Thới Bình, cá chình – cá bống tượng Tân Thành, bồn bồn Cái Nước, cá khoai Cái Đôi Vàm, chuối khô Trần Hợi, bánh phồng tôm Mũi Cà Mau. Có 3 nhãn hiệu chứng nhận, gồm: Gạo Một bụi lùn, gạo Tép hành, gạo Tài nguyên đục. Bên cạnh đó, hiện đang có 5 nhãn hiệu chứng nhận đang xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ, gồm: Cá bớp Hòn Chuối, lúa sạch Thới Bình, mực Sông Đốc, cá thòi lòi Đất Mũi, chuối xiêm sinh thái Cà Mau.

Tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ thực hiện 6 nhiệm vụ nghiên cứu, trong đó đáng chú ý là sản xuất các chế phẩm có hoạt tính sinh học cao từ phụ phẩm nông nghiệp, nghiên cứu công nghệ xử lý tái chế nước thải từ các nhà máy chế biến thủy sản thành thức ăn chăn nuôi; 7 nhiệm vụ ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đáng chú ý là ứng dụng và chuyển giao công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh phù hợp với điều kiện của địa phương; ứng dụng và chuyển giao công nghệ hóa, sản xuất giống và thương phẩm tôm sú Moana tại Cà Mau…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *