Hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2014: Tăng cường phòng chống tệ nạn ma túy

Theo thống kê, đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 1.057 người nghiện ma túy đã có hồ sơ kiểm soát. Trong đó, 790 người nghiện ngoài xã hội, 188 người nghiện trong trung tâm cai nghiện, 79 người nghiện trong trại tạm giam và các nhà tạm giữ.

Nhân Tháng hành động phòng chống ma túy, ngày 26-6, Trung tâm Giáo dục Lao động – Xã hội tỉnh tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Luật Phòng chống ma túy cho học viên tại Trung tâm. Nội dung thi xoay quanh những kiến thức về Luật Phòng chống ma túy, tác hại của ma túy đối với sức khỏe người nghiện, hệ lụy đối với gia đình và xã hội… Đây là hoạt động thường niên tại Trung tâm, tạo sân chơi hữu ích giúp học viên nhận thức đúng và tích cực điều trị, góp phần giảm tỷ lệ tái nghiện khi trở về cộng đồng.

Qua đấu tranh kiểm soát và xử lý của ngành chức năng cho thấy phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng nghiện ma túy ngày càng tinh vi hơn và có chiều hướng gia tăng. Chủ yếu tập trung trên địa bàn TP. Cà Mau và một số thị trấn thuộc các huyện có kinh tế phát triển.

Đã qua, các cấp các ngành đã tập trung chỉ đạo trong công tác phòng chống tệ nạn ma túy, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể. Qua đây đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội trong vấn đề này.

Tuy nhiên, trên thực tế, để giải quyết triệt để tác hại của ma túy trong xã hội là một việc vô cùng khó khăn. Người nghiện ma túy rất khó dứt hẳn trong ngày một ngày hai; đối tượng bán vì lợi nhuận tìm mọi cách để qua mặt ngành chức năng, tung những “món hàng chết người” này ra thị trường. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy trong những tháng đầu năm, về tội phạm ma túy phát hiện và xử lý 37 vụ, liên quan đến 55 đối tượng, tăng 7 vụ và 18 đối tượng. Vi phạm về ma túy qua công tác đấu tranh phát hiện và xử lý 50 vụ, liên quan đến 85 đối tượng, tăng 8 vụ và 16 đối tượng, xử phạt hành chính với số tiền trên 92 triệu đồng. Ngoài ra, Trung tâm Giáo dục lao động xã hội đã tiếp nhận mới 46 học viên. Trong đó có 11 học viên tự nguyện, 35 học viên bắt buộc.

Điều đáng lo ngại là trong những tháng đầu năm, tình trạng thanh thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp có chiều hướng nhanh. Tập trung nhiều vào các đối tượng là con nhà khá giả, tụ tập thành nhóm tại điểm ăn chơi để sử dụng. Loại ma túy tổng hợp thường được các đối tượng này lựa chọn là hàng “đá” (Methamphetamine), “thuốc lắc” (Ecstasy), hay “hồng phiến” (Amphetamine).

Ông Lý Việt Thống, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, cho rằng: Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn bán ngày càng tinh vi, xảo quyệt, dẫn đến công tác đấu tranh, triệt xóa gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều gia đình có con em nghiện ma túy không tự giác đến khai báo với cơ quan chức năng mà có hành vi bao che, cản trở người thi hành công vụ. Từ đó đã gây không ít khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý cũng như áp dụng các biện pháp cai nghiện, quản lý giáo dục người nghiện của cơ quan chức năng.

Liên quan đến những tồn tại, hạn chế trong phòng chống tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải cho rằng: Mặc dù có sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, nhưng từng lúc từng nơi lại thiếu việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện, dẫn đến công tác phòng chống tệ nạn ma túy đạt hiệu quả chưa cao. Thêm vào đó, công tác tuyên truyền phòng chống tệ nạn ma túy thời gian qua chưa được thường xuyên, liên tục, chưa tạo được phong trào rộng khắp trên toàn tỉnh. Việc tổ chức thực hiện các đề án của Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng chống ma túy chưa được đồng bộ…

Nhằm kéo giảm tệ nạn ma túy xuống mức thấp nhất, thời gian tới, tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tuyên tryền, nâng cao nhận thức của nhân dân về tác hại cũng như các giải pháp phòng chống ma túy, đổi mới nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn dân cư. Nắm chắc tình hình, phân tích, đánh giá, dự báo đúng với diễn biến, thực trạng tình hình về tệ nạn ma túy trên địa bàn. Kiểm định đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, các mô hình, giải pháp cụ thể. Trên cơ sở đó, xây dựng chương trình, kế hoạch và giải pháp phòng chống ma túy phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đồng thời sẽ tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, nhất là lực lượng công an, Bộ đội Biên phòng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *