Kích cầu du lịch sau đại dịch COVID – 19

Ông Trần Hiếu Hùng Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

* Ông có thể đánh giá sơ lược về sự phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian vừa qua?

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Cà Mau được xác định có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, với vị trí địa lý, sự đa dạng của hệ sinh thái rừng – biển và mặn – ngọt, là một trong 4 tỉnh trong hành lang phát triển kinh tế phía Nam của Chương trình hợp tác phát triển tiểu vùng Mekong mở rộng, có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế với các nước Đông Nam Á… đã tạo cơ hội cho du lịch Cà Mau phát triển trong thời gian tới. So với các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL, cùng với An Giang, Cà Mau là một trong hai tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia, đây là điều kiện thuận lợi để triển khai quy hoạch xây dựng, mời gọi đầu tư. 

Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy và các kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh, Cà Mau đã xác định những chiến lược phát triển du lịch dài hạn, trọng tâm là phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030. Điều này cho thấy sự quyết liệt của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương trong việc xác định vị trí, vai trò của việc phát triển kinh tế du lịch một cách bền vững là góp phần phát triển kinh tế – xã hội, gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên của tài nguyên du lịch.

Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng kết hợp xóa đói giảm nghèo, góp phần tháo gỡ khó khăn về đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng sâu vùng xa; kết hợp phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển du lịch Cà Mau gắn với sự phát triển du lịch chung của các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước.

Lực lượng lao động trực tiếp ngành Du lịch khoảng 5.200 người (trong đó: Trình độ đại học và trên đại học: 553; cao đẳng, trung cấp 1.000; đào tạo khác 1.500 và hơn 2.000 chưa qua đào tạo); bên cạnh lực lượng lao động gián tiếp từ các lĩnh vực có liên quan khoảng 10.400 người.

Có thể nói du lịch Cà Mau đã và đang phát triển đúng định hướng, thông qua việc phát triển hệ thống cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch (năm 2017 có 50, đến nay 56 cơ sở), có 10 doanh nghiệp (DN) kinh doanh hoạt động lữ hành (tăng 3 DN so với năm 2017), lượt khách tăng bình quân hàng năm từ 12 – 14%. Doanh thu du lịch (2017 – 2019): 5.347,2 tỷ đồng, đến năm 2020 ước đạt 2.780 tỷ đồng, tăng khoảng 7% (so với mục tiêu đề ra là 2.600 tỷ đồng). Định hướng đến năm 2030, doanh thu du lịch đạt 7.200 tỷ đồng, đảm bảo mục tiêu đề ra.

Du lịch Cà Mau có hướng đi bền vững để phát triển nhanh và mạnh. (Ảnh chụp trước ngày 27/3/2020). Ảnh: QUỐC BÌNH

* Thưa ông, ông có thể cho biết đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng như thế nào đến ngành Du lịch của tỉnh?

Ông Trần Hiếu Hùng: Dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp và nặng nề đến tình hình hoạt động kinh doanh, phát triển của tất cả các DN nói chung và du lịch nói riêng. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên mức độ ảnh hưởng rộng hơn bởi nhiều yếu tố. Nguồn nhân lực phục vụ trong các cơ sở kinh doanh du lịch đã bị ảnh hưởng do hoạt động kinh doanh đình trệ, để giảm chi phí, DN đã cắt giảm lao động, tác động đến vấn đề lao động, việc làm, nhất là lao động phổ thông, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Do đó, việc phục hồi sau dịch của các DN du lịch trên địa bàn tỉnh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, hiện nay đã có 17 cơ sở lưu trú, 9 công ty lữ hành và 18 khu, điểm du lịch (kể các các điểm du lịch cộng đồng) trên địa bàn tỉnh đã tạm dừng hoạt động; các cơ sở lưu trú còn lại vẫn hoạt động nhưng công suất sử dụng phòng không có.

Tổng số khách từ đầu năm đến ngày 26/4 là 458.378 lượt, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2019 (khách quốc tế 4.383 lượt); tổng thu 679,7 tỷ đồng, giảm 21,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong thời gian diễn ra dịch bệnh (ngày 30/1 đến nay) đã tác động đến doanh thu du lịch ước giảm trên 186 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019 (chỉ đạt 26,1% so với kế hoạch năm 2020). 

Đất Mũi sau khi trùng tu và xây dựng lại, thu hút nhiều du khách đến tham quan. (Ảnh chụp trước ngày 27/3/2020). Ảnh: QUỐC BÌNH

* Trước những ảnh hưởng này, ngành Du lịch của tỉnh có những giải pháp nào để ứng phó, nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Trần Hiếu Hùng: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình kích cầu du lịch năm 2020, thông qua các biện pháp khuyến mãi, ưu đãi, giảm giá… sau khi dịch bệnh kết thúc, dự kiến triển khai từ tháng 5 đến 12/2020, với nhiều nội dung và giải pháp thu hút khách du lịch; tập trung khai thác và phát triển sản phẩm du lịch mới, tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch; tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến giới thiệu điểm đến du lịch với các tỉnh, thành trong cụm liên kết và các thị trường du lịch trọng điểm. Triển khai ứng dụng khoa học – công nghệ phục vụ quảng bá du lịch, nhằm quảng bá giới thiệu điểm đến du lịch Cà Mau với du khách trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, các ngành các cấp đang tập trung triển khai thực hiện các nghị quyết, chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất ngân hàng, tài chính, Bảo hiểm xã hội… thông qua các chương trình, đề án… nhằm hỗ trợ cho DN du lịch khôi phục hoạt động sau dịch COVID-19.

Đồng thời, có chính sách hỗ trợ hình thành và phát triển các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về ứng dụng công nghệ đối với lĩnh vực du lịch; tạo mối liên kết giữa nhà trường và DN du lịch, các trường đào tạo cần nắm bắt nhu cầu nhân lực để hợp tác với DN du lịch, nhằm đào tạo nguồn lực đáp ứng yêu cầu sử dụng của DN; đổi mới cơ chế quản lý nhà nước đối với dạy nghề theo nhu cầu của thị trường và yêu cầu cụ thể của người sử dụng lao động; xây dựng lại chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao các kỹ năng tương tác, sự gắn kết với thực tiễn, đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của xã hội, đặc biệt trong xu thế phát triển của cách mạng công nghệ 4.0.

Đối với tỉnh Cà Mau, trong thời gian qua luôn quan tâm đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Hàng năm đều tranh thủ nguồn ngân sách tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề đối với đội ngũ nhân viên, quản lý tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, chú trọng đào tạo kỹ năng thực tế (cầm tay chỉ việc) phù hợp với loại hình du lịch, để tạo điều kiện cho lao động nắm bắt nhanh, áp dụng ngay trong quá trình lao động, giải quyết được nhu cầu việc làm và phục vụ khách du lịch, nhất là nguồn nhân lực tại các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn. Xác định nhu cầu tập trung cho đào tạo nguồn nhân lực sắp tới, Sở sẽ tổ chức thêm các lớp buồng, bàn… với thời gian đào tạo ngắn ngày, có chứng nhận (chứng chỉ) cho học viên, nhằm cung cấp đội ngũ phục vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu hiện nay của các DN du lịch.

* Xin cảm ơn ông!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *