Kỳ vọng du lịch tăng trưởng trong những tháng cuối năm

Sức hút du lịch Cà Mau là da dạng về hệ sinh thái mang tính đặc trưng riêng biệt. Đặc biệt, Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) là vùng đất thiêng của dân tộc,hiện nơi đây có nhiều công trình kiến trúc ý nghĩa, tạo điểm nhấn giữa mênh mông rừng ngập mặn. Ảnh: Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau.

Theo đánh giá của ngành Du lịch, người dân vẫn còn tâm lý e ngại trong di chuyển do tình hình đại dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp trên thế giới; thu nhập, đời sống kinh tế của người dân chưa ổn định trở lại; học sinh, sinh viên đang tập trung cho kỳ thi cuối năm… dẫn đến nhu cầu du lịch giảm mạnh.

Một thực tế nữa là, sau thời gian dài bị ảnh hưởng do đại dịch, các doanh nghiệp du lịch hầu hết đều đối mặt với các vấn đề khó khăn về tài chính, dẫn đến việc đăng ký tham gia Chương trình Kích cầu du lịch còn hạn chế và các chính sách ưu đãi cho khách du lịch cũng thật sự chưa hấp dẫn.

Trước đó, Cà Mau ban hành Chương trình Kích cầu du lịch với thông điệp “Cà Mau an toàn, thân thiện”, nhằm khuyến khích người dân tham quan du lịch đến địa phương, khôi phục tăng trưởng lượng khách nội địa, góp phần giúp ngành Du lịch tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức sau khi tình hình dịch COVID-19 trong nước  được kiểm soát. 

Nhiều hình thức quảng bá hình ảnh du lịch Cà Mau được tăng cường tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Trong tháng 7 này, Cà Mau sẽ mở tuyến du lịch đường biển: Cà Mau – Nam Du – Phú Quốc, dự báo sẽ thu hút đông đảo du khách tìm đến Cà Mau tham quan, trải nghiệm, du lịch những tháng cuối năm sẽ tăng trưởng đáng kể.

Theo thống kê của ngành Du lịch, đến hết tháng 6, Cà Mau đón 629.591 lượt khách, giảm 26% so với cùng kỳ, đạt 33,85% kế hoạch năm. Tổng doanh thu trên 924 tỷ đồng, giảm 32,21% so với cùng kỳ, đạt 35,56% kế hoạch năm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *