Linh hoạt chuyển đổi sản xuất trong tình hình mới

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

“Mưa thừa, nắng thiếu”

Huyện Trần Văn Thời là nơi chịu nhiều tác động nhất khi xảy ra thiên tai. Vào mùa khô, phải dốc sức cho công tác phòng, chống cháy rừng, sụt lún, thiếu nước sản xuất; mùa mưa lại lo chuyện phòng, chống lụt bão, triều cường dâng, ngập úng.

Những năm mùa mưa kết thúc sớm, tiểu vùng này đối mặt với nguy cơ hạn hán, thiếu nước rất lớn. Điển hình năm 2020, gần 4.000 hộ dân bị thiếu nước, 2.000ha lúa đông xuân và 340ha rau màu bị thiệt hại do hạn hán. Sau khô hạn đến mùa mưa, cùng với triều cường dâng cao, đã làm ngập sâu 144 tuyến kênh bờ bao, trong đó có nhiều tuyến ngập sâu hoàn toàn, gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân, nhất là học sinh; gây thiệt hại hơn 15.000ha lúa, hơn 500ha rau màu, hơn 270ha cây ăn trái…

“Nắng thiếu, mưa thừa” như là một điệp khúc ảnh hưởng sâu sắc đến sản xuất và mọi mặt đời sống của người dân vùng ngọt Trần Văn Thời. Ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện cho biết, những năm gần đây, địa bàn huyện chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu khi thiên tai, hạn hán gây ảnh hưởng đến sản xuất; hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh nên việc điều tiết nước đạt hiệu quả chưa cao. “Vụ lúa hè thu thì khô hạn đầu vụ xuống giống muộn, cuối vụ xảy ra ngập úng; với vụ lúa đông xuân, đầu vụ thì thừa nước, cuối vụ lại thiếu nước”, Chủ tịch UBND huyện nêu thực tế tại địa phương.

Đầu tư hạ tầng thủy lợi, chuyển đổi sản xuất

Từ thực tế khảo sát mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc chia nhỏ các ô thủy lợi là rất cần thiết để phục vụ sản xuất, hình thành những trạm bơm, đập tạm để trữ nước hay bơm cưỡng bức chống úng. Điển hình của vấn đề này là ô thủy lợi Minh Hà A, xã Khánh Bình Đông và Ấp 5, xã Trần Hợi, công suất máy bơm 12.000m3/h, diện tích phục vụ 120ha, hiện nay rất hiệu quả, có thể chủ động trong sản xuất.

Về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa vụ đông xuân 2020 – 2021, trên địa bàn huyện hiện có mô hình lúa – đậu xanh, bí đỏ trên ruộng lúa… Ông Trần Tấn Công cho biết, sau cây lúa, rau màu rất quan trọng, góp phần tăng thu nhập cho nhân dân, cung ứng cho thị trường.  Theo đó, những năm qua, có trên 300ha trồng bí đỏ trên ruộng lúa, khả năng nhân rộng thêm 200ha nữa, tập trung chủ yếu tại hai xã Khánh Bình Đông và Trần Hợi. Cùng với đó mà mô hình trồng đậu xanh; nuôi cá bổi, cá đồng…

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lại lo ngại, vì phần lớn nguồn đầu ra thông qua thương lái, chưa liên kết được doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm; cùng với đó phải khoanh ô thủy lợi nhằm chủ động về thời gian giữa mùa vụ lúa, màu.

Thông tin từ huyện cho biết, đến nay trên địa bàn đã xuống giống trên 19.000ha/28.954ha, đạt hơn 65% và được khoanh ô thủy lợi, chia thành 3 đợt xuống giống nhằm tiết kiệm nước; cơ cấu giống ngắn ngày, chất lượng nhằm đảm bảo hiệu quả và nâng cao giá trị sản xuất.

Khẩn trương khắc phục thiên tai

Cho biết Dự án nâng cấp đê biển Tây trên địa bàn huyện Trần Văn Thời là một trong 3 dự án được tỉnh đưa vào diện theo dõi đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử bày tỏ không hài lòng với cách làm của Chủ đầu tư và chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, bởi thực hiện một cách không liên tục, không tập trung. “Chắc chắn công trình này sẽ bị kiểm điểm vào cuối năm nay”, Phó Chủ tịch tỉnh khẳng định.

Theo báo cáo của huyện, vướng mắc lớn nhất hiện nay là Dự án khu tái định cư xen ghép Sông Đốc, chưa hoàn thành được phương án sắp xếp, di dời dân cư bởi chưa xác định nguồn gốc đất để giải tỏa, tạo mặt bằng, sắp xếp dân cư… Trong khi đó, ông Đỗ Quang Hưng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, nguồn gốc đất khu vực này đã được chứng minh pháp lý, phải thu hồi để giao đất cho huyện, không phải bồi hoàn sau giải tỏa, sớm triển khai hoàn thiện công trình đê biển Tây tại khu vực này. Ông Phan Thế Bạo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thống nhất bố trí dân cư tại chỗ, xây dựng hạ tầng giao thông đấu nối, hạ tầng công cộng nhằm tạo vẽ mỹ quan cho thị trấn biển Sông Đốc…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đánh giá cao trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng như phòng, chống thiên tai của huyện Trần Văn Thời thời gian qua, đặc biệt là có phản ứng nhanh trong ứng phó thiên tai ở đê biển, giúp dân cứu lúa bị ngập… Thời gian tới cần tiếp tục phát huy, giải quyết khó khăn, định hướng quy hoạch, tổ chức sản xuất phù hợp trong tình hình mới.

Phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu ngành chuyên môn cùng huyện Trần Văn Thời và các xã vùng ngọt trên địa bàn khẩn trương hoàn thành việc khắc phục thiên tai, chủ yếu là việc hỗ trợ thiệt hại trên lĩnh vực nông nghiệp; làm nhanh, kịp thời nhưng phải chặt chẽ, đúng quy định; tiếp tục khắc phục, sửa chữa hạ tầng giao thông, đảm bảo cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại trong dịp lễ, tết cuối năm, cũng như tạo thông suốt cho vận chuyển hàng hóa.

Tiếp tục theo dõi sát việc xuống giống, tính toàn điều tiết nước theo hướng tiết kiệm nước tối đa, phù hợp theo từng khu vực. Cân nhắc việc xuống giống vụ hoa màu trên đất lúa. Tất cả các mô hình sản xuất phải được theo dõi, đánh giá, tổng kết mang tính khoa học, làm cơ sở nhân rộng, hoạch định chiến lược theo chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị.

Vụ màu trên đất lúa đang phát huy hiệu quả, tiếp tục được huyện mở rộng.Vụ màu trên đất lúa đang phát huy hiệu quả, tiếp tục được huyện mở rộng.

Phó Chủ tịch tỉnh đồng thời yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình vùng ngọt, nhất là những trạm bơm. Cần có đánh giá lại việc vận hành hệ thống công trình thủy lợi nhằm phát huy hiệu quả; chủ động quy hoạch lại sản xuất phù hợp theo hướng mở với nhiều hướng kết hợp.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử còn chỉ đạo các vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng trong thực hiện các công trình trọng điểm trên địa bàn; công tác xây dựng nông thôn mới…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *