Mẹ là linh hồn đất nước!

Cà Mau là vùng căn cứ địa cách mạng, trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đã bảo vệ an toàn các cơ quan cấp cao của Đảng (Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Khu Tây Nam Bộ); là nơi đóng góp nguồn nhân lực, vật lực to lớn, góp phần cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ hy sinh to lớn ấy, trên vùng đất cực Nam Tổ quốc, có biết bao bà mẹ đã “cắt ruột”, gạt nước mắt tiễn chồng, tiễn con ra trận cho hòa bình, độc lập hôm nay. 

Cảm xúc dâng trào khi lặng nhìn những bà mẹ đã sống cuộc đời cao đẹp, với sự hy sinh trong thầm lặng trên khắp quê hương này. Năm nào cũng vậy, cứ tới ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Võ Thị Tường (Phường 8, TP. Cà Mau) lại nấu mâm cơm tươm tất để nhớ về các con, rồi con cháu quây quần bên nhau, nghe mẹ kể chuyện ngày xưa chồng mẹ và các anh đi làm cách mạng. Ba người con của mẹ (2 người con ruột và 1 người con rể) hy sinh chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, chồng thì đi công tác xa (ông Đoàn Thanh Vị, lúc đó đang làm Bí thư Huyện ủy Thới Bình), không ít lần bị địch lùng sục, bắt bớ… Có khổ đau nào bằng mất con, nhưng vì nợ nước, thù nhà không cho phép mẹ gục ngã. Mẹ nén đau thương đứng dậy, tần tảo làm ruộng, chằm nón để nuôi con, cho chồng an tâm đi làm cách mạng…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Tường, dịp về Cà Mau dự lễ Kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh.

Năm nay mẹ Võ Thị Tường đã 90 tuổi, vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn. Dù biết rằng con cái hy sinh là nỗi đau của tất cả những ai làm mẹ, nhưng nghĩ lại, con mình hy sinh cho đất nước thì người mẹ tự hào lắm. Bây giờ đất nước độc lập rồi, những người có công cũng được Nhà nước quan tâm, chăm sóc chu đáo, mẹ không mong muốn gì hơn. Đáng quý là mẹ vẫn luôn đau đáu với quê hương. Tháng 4 rồi, mẹ dành 2 triệu đồng từ tiền trợ cấp hàng tháng, ủng hộ địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, với niềm tin vào truyền thống đoàn kết của dân tộc sẽ được phát huy trong cuộc chiến chống đại dịch. Và mẹ đã vui mừng, nhẹ lòng…

Chiến tranh lùi xa, mỗi năm cứ đến các ngày kỷ niệm về chiến thắng, về lịch sử và nhất là tháng 7 này, những ký ức năm nào lại ùa về thổn thức. Mỗi khi nhớ đến chồng, đến con, những người phụ nữ ấy chỉ mong hòa bình được mãi mãi, đất nước ngày càng phát triển, để những người phụ nữ được sống ấm êm, hạnh phúc bên gia đình.

Mẹ Phan Thị Ưu ở xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, năm nay 101 tuổi đời, gần 75 tuổi Đảng, là một trong những cán bộ phụ nữ có thành tích vẻ vang của huyện qua cả hai thời kỳ kháng Pháp và chống Mỹ. Quê mẹ Ưu ở Quảng Ngãi, nhưng về vùng Trần Văn Thời từ năm 17 tuổi. Theo truyền thống gia đình, mẹ Ưu đi làm giao liên, quân báo… Nhiều lúc hiểm nguy, mẹ phải tránh mình trong ụ heo, trầm dưới lục bình… nhưng mẹ không hề sờn chí. Chồng mẹ là cán bộ của Quân khu 9, đồng chí Nguyễn Tấn Thành (Bảy Gốc). Mẹ có người con duy nhất, liệt sĩ Nguyễn Văn Thiện, hy sinh năm 1971 tại Khánh Bình trong một lần đi công tác ở nhà dân, lính phát hiện ập vào, anh cùng đồng đội vừa ném lựu đạn, vừa bắn gây thương vong lớn cho giặc. Anh hy sinh khi đã có vợ và 7 đứa con (4 gái, 3 trai). Nỗi đau chưa dừng lại khi con dâu, liệt sĩ Trần Thị Loan, trong lần đấu tranh trực diện cũng bị giặc bắt và đánh chết. Mẹ một thân một mình nuôi 7 đứa cháu nội. Theo lời mẹ Ưu, qua hai cuộc kháng chiến, nhà của mẹ bị đốt 3 – 4 lần, tài sản, ruộng vườn coi như chẳng còn gì. Thay con, mẹ vừa công tác, vừa nuôi dạy các cháu, rồi dựng vợ gả chồng đàng hoàng.

Chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, đến thăm hỏi tình hình sức khỏe Mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Ưu.

Hơn nửa đời người sống dưới mưa bom bão đạn, khi hòa bình, mẹ không đi thêm bước nữa mà ở vậy thờ chồng, thờ con. Mẹ trở thành tấm gương sáng ngời về nghị lực và lòng thủy chung son sắt. Cuộc đời mẹ là biểu tượng của sự hy sinh cao cả. Mẹ không hối tiếc, vì máu xương của con mẹ được đáp đền bằng sự đổi mới của quê hương từng ngày.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có trên 2.500 mẹ được truy tặng và phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ VNAH”, hiện còn sống 134 mẹ. Cùng với việc thực hiện các chế độ theo quy định của Nhà nước, Mẹ VNAH được các cơ quan, đơn vị và nhân dân các địa phương phụng dưỡng, chăm lo như người thân, làm ấm lòng mẹ lúc tuổi cao sức yếu… Những tình cảm chân thành xuất phát từ lòng tôn kính, cùng sự biết ơn sâu sắc là nguồn sức mạnh tinh thần để mẹ sống vui khỏe hơn, an lòng hơn, khi biết tre già rồi sẽ có chồi non mọc lên, vững chãi…

Tuổi trẻ hôm nay không biết đến đạn bom, không tận mắt chứng kiến những đau thương mất mát, nhưng họ đều hiểu rằng cái giá của cuộc sống hôm nay là sự hy sinh của nhiều thế hệ lớp người đi trước, là những nỗi đau, sự mất mát lớn lao của những người Mẹ VNAH. Mẹ là suối nguồn bao la vô tận, là linh hồn đất nước! Mẹ anh hùng, sinh ra những người con anh hùng và sẽ lại hóa thân vào đất, vào non nước. Mẹ sẽ sống mãi, vẫn tiếp thêm nguồn sức mạnh cho các thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2020), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì tổ chức chương trình “Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) toàn quốc năm 2020”. Đây là một trong những hoạt động chính cấp Quốc gia, diễn ra từ ngày 23 đến 25/7. Lần đầu tiên 300 Mẹ VNAH, đại diện cho gần 5.000 mẹ còn sống của cả nước đã tề tựu tại Thủ đô Hà Nội. Tỉnh Cà Mau có sự tham gia của Mẹ VNAH Võ Thị Nhành (huyện Trần Văn Thời).

Cuộc gặp gỡ nhằm thể hiện sự tri ân sâu sắc, lan tỏa thông điệp về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tới xã hội, cộng đồng, nhân dân cả nước. Sự kiện cũng là dịp để động viên kịp thời các Bà mẹ VNAH, những người đã không ngừng nỗ lực trong cuộc sống, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội, là những tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *