Mùa nắng nóng canh chừng “bà hỏa”

Lực lượng chức năng luôn sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu. Tuy nhiên, để tránh những việc đáng tiếc xảy ra thì người dân cần nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ.

Tăng về số vụ

Theo thống kê, từ đầu mùa khô đến nay (từ ngày 15/11/2019 đến 14/4/2020), trên địa bàn tỉnh xảy ra: 19 vụ cháy, làm chết 2 người, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 7,29 tỷ đồng; cháy khoảng 201.500m² rừng tràm tái sinh trồng trên đất lâm nghiệp. So với cùng kỳ năm 2019, tăng 9 vụ, chết tăng 2 người, thiệt hại tài sản tăng 5,12 tỷ đồng, tăng 201.500m² rừng tràm. Trong đó, cháy nhà ở đơn lẻ chiếm 47,37%; xảy ra ở địa bàn nông thôn, chiếm 68,42%; sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm 73,68% tổng số vụ; tình hình cháy cỏ, sậy diễn biến phức tạp, tăng 62,16% số vụ, so với cùng kỳ.

Trung tá Bùi Vũ Khắc, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, cho biết: “Nguyên nhân xảy ra các vụ cháy là do nhiều hộ gia đình (nhất là ở địa bàn nông thôn) câu mắc điện tùy tiện, chưa bảo đảm an toàn; dây dẫn truyền tải điện đi trên các tấm lợp bằng tôn, thiếc, nhưng không đảm bảo cách nhiệt theo quy định; thiết bị sử dụng điện để hoạt động quá công suất; sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện cùng lúc, quá mức chịu tải của đường dây dẫn điện… dẫn đến chạm, chập điện, phát sinh cháy. Bên cạnh đó, do người dân đốt cỏ, rác tùy tiện, không cẩn thận và không dự tính được sự lây lan của ngọn lửa, dẫn đến cháy lan sang công trình khác, gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn”.

Cụ thể, vụ cháy bãi rác vào khoảng 10 giờ ngày 8/2, tại Khóm 3 (phường Tân Xuyên, TP. Cà Mau), cháy khoảng 200m2 rác thải. Hay vụ cháy xảy ra tại Khóm 4 (Phường 6, TP. Cà Mau), vào khoảng 18 giờ (ngày 6/4) làm cháy sậy trên đồng khơi, nhưng do đám cháy lớn, lực lượng phải huy động cả 3 xe chữa cháy đến dập lửa. Vụ cháy ở Phường 1 (TP. Cà Mau) xảy ra vào tháng 4 vừa qua, phải huy động 5 xe chữa cháy, lực lượng phải làm việc cật lực trong nhiều giờ liền.

Trung tá Bùi Vũ Khắc cho biết có ngày có tới 2 vụ cháy, lực lượng lúc nào cũng phải trong tư thế sẵn sàng ứng cứu. Dù những đám cháy vừa qua không ảnh hưởng đến người dân nhưng cũng có sức uy hiếp lớn, nếu không dập tắt kịp thời, cộng với sức gió sẽ lan nhanh đến nhà những hộ dân lân cận.

Công tác kiểm tra luôn được ngành chuyên môn tiến hành thường xuyên tại các hộ dân và cơ sở kinh doanh mua bán.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Để ngăn chặn cháy nổ xảy ra, bên cạnh công tác tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức tự phòng ngừa, lực lượng chức năng cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Mùa hạn năm nay kéo dài và có khả năng hạn giống năm 2016 nên công tác phòng tránh luôn được quan tâm hàng đầu. Để phòng chống cháy, nổ do đốt cỏ, rác gây ra, cần tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân thường xuyên phát quang cỏ, sậy trên phần đất thuộc trách nhiệm quản lý, sử dụng, hạn chế điều kiện xảy ra cháy, tạo mỹ quan, vệ sinh môi trường. Vận động người dân tích cực thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC, không tự ý đốt cỏ, rác khi chưa tiến hành thu gom, tạo khoảng cách an toàn với các công trình, nhà ở, chất dễ cháy xung quanh. Tuyệt đối không được đốt cỏ, rác vào mùa hanh khô, không được đốt đồng loạt trên diện tích lớn, khó kiểm soát; tuân thủ nguyên tắc bảo đảm an toàn PCCC và bảo vệ môi trường. Các trường hợp tùy tiện đốt cỏ, rác, dẫn đến cháy lan sang công trình khác gây thiệt hại phải bị xử lý nghiêm; đồng thời, buộc thực hiện các hình thức phạt bổ sung, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Về tuyên truyền PCCC trong sử dụng điện, Trung tá Bùi Vũ Khắc chia sẻ: “Lực lượng triển khai nhiều phương án như xây dựng bài tuyên truyền an toàn PCCC trong sử dụng điện gửi trực tiếp về cho địa phương, từ đó lực lượng công an viên của các ấp sẽ phát trên các loa di động đến từng nhà trong ấp để người dân nắm. Ngoài ra, lực lượng còn thực hiện clip an toàn PCCC trong sử dụng điện sinh hoạt, những nguy cơ tiềm ẩn… đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, trên các báo điện tử, mạng xã hội để người dân biết, thực hiện. Đồng thời, tuyên truyền kiến thức pháp luật, kỹ năng PCCC, an toàn trong sử dụng điện, nhất là sử dụng điện nuôi tôm công nghiệp, sinh hoạt…; vận động người dân lắp đặt cầu dao tự động để ngắt điện khi có sự cố hệ thống, thiết bị điện; phải ngắt cầu dao, nguồn điện khi sửa chữa thiết bị điện…; trang bị bình chữa cháy xách tay để sử dụng khi xảy ra sự cố cháy, nổ.

Hiện đang trong mùa khô hạn kéo dài, công tác phòng chống cháy rừng cũng được quan tâm hàng đầu.

Nếu có trường hợp cháy, nổ xảy ra, phải thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy, lực lượng, phương tiện, vật tư và hậu cần), đồng thời gọi điện thoại báo cháy với ngành chức năng để can thiệp kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

Tuy nhiên, Trung tá Khắc cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng, khi hiện đang là mùa khô hạn nhưng nhiều hộ gia đình còn lơ là trong việc phòng tránh, nhất là những hộ thuộc vùng sâu có nhiều chòi canh vuông mắc điện tạm bợ, thiếu an toàn, có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, hiện có nhiều hộ gia đình bỏ đi làm ăn xa nên công tác tuyên truyền gặp rất nhiều khó khăn. Nhìn chung, ở các tuyến dân cư, ý thức của bà con nâng lên rất nhiều, nhưng vẫn còn bộ phận không nhỏ người dân lơ là, chủ quan trong phòng tránh, nên khi sự cố xảy ra thường bị thiệt hại về người.

Thực tế cho thấy công tác phòng chống cháy, nổ chỉ thực sự có hiệu quả khi mọi người dân đều coi đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Nhất là trong mùa khô kéo dài như năm nay, ý thức đó cần được nhân lên gấp bội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *