“Mùa nước nổi” trên vùng ngọt!

Đường ngập sâu, không phân biệt được đâu là lộ giao thông, đâu là sông.

Nước ngập ngoài đồng, ngập lộ, làm hạn chế giao thông; nước tràn ngập vườn, sân nhà, người dân chỉ có thể co cụm sinh hoạt trong căn nhà với từ bề là nước.

Một số điểm trường, cấp học mầm non và tiểu học đã được “lệnh” nghỉ học vì nhiều tuyến đường ngập hoàn toàn, không đảm bảo an toàn cho trẻ đến trường.

Người dân lần dò đi trên “đường sông” giao thông nông thôn. Xuồng đã vào đến tận nhà. Hình ảnh này cứ ngỡ chỉ có ở vùng lũ Đồng Tháp Mười, nhưng đây là hiện thực tại huyện Trần Văn Thời. Tứ bề là nước.Một hộ kinh doanh tại chợ xã Khánh Bình Đông “thảnh thơi”, vì mua bán bị đình trệ.

Hàng ngàn hécta lúa hè thu đến kỳ thu hoạch, giờ nước ngập đến cổ bông, làm giảm năng suất; nơi nào lúa đổ ngã do giông lốc, ngâm nước lâu ngày thì gần như thiệt hại hoàn toàn.

Theo các lão nông, đây là lần ngập lịch sử và kéo dài chưa từng thấy. Tình hình này, sau khi trời có nắng lại khoảng 10 ngày, sử dụng mọi biện pháp bơm, tát nước mới có thể thu hoạch được lúa, mà chờ đến lúc đó thì lúa cũng đã thiệt hại hoàn toàn.

Nông dân “đắng lòng” nhìn cây lúa giảm năng suất, chất lượng do bị ngập nước.

Không thể làm gì hơn để cứu vãn, nhiều người đã “bỏ mặc” lúa đến kỳ thu hoạch đang ngâm trong nước nhiều ngày qua. Tranh thủ đắp đất be bờ, rào lưới ao cá bị ngập, anh Lâm Thanh Dũng (ấp Rạch Bào, xã Khánh Bình)  cho biết nhà anh có trên 1ha lúa bị ngập, bỏ thì tiếc, mà thu hoạch thì cũng chẳng đặng. Máy cắt thì không thể hoạt động vì ruộng ngập sâu, công cắt lao động phổ thông cũng không có, rồi dù mang lúa vào nhà cũng không thể ra hạt, nơi nào cũng ngập và mưa gió kéo dài thì lấy chỗ nào phơi…

Góp vào câu chuyện buồn ngày mưa dầm, anh Tuấn, một người cùng ấp, nói mình cũng đã “bỏ mặc” 3ha lúa mấy ngày qua, không dám ra thăm đồng, vì thấy cảnh tượng càng đau lòng thêm. Anh đang đi kiếm mối làm phụ hồ, hòng kiếm được đồng nào hay đồng nấy để trang trải cuộc sống.

Be bờ, rào chắn lưới nhằm cứu ao cá bị ngập. Lúa đã đến kỳ thu hoạch, nhưng máy cắt không thể hoạt động vì đồng ruộng ngập sâu.

Cất công cả gia đình, vất vả dầm mưa mang được hạt lúa vào nhà, nhưng sáng nay anh Tâm (ngụ xã Khánh Bình Đông) đã phải mang lúa hột ra sân ngập nước đổ xuống. “Nhiều ngày không phơi được, lúa ướt, giờ bốc mùi hôi, phải rửa”, anh Tâm giải thích, rồi anh cũng không dám chắc sẽ làm sao để mớ lúa này không ra mầm, hư hại, khi mà mưa vẫn cứ tiếp diễn, sân phơi vẫn ngập sâu.

Cùng hoàn cảnh, sáng nay ông Lai Văn Thành (ngụ ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình) cắt vội diện tích lúa cạnh nhà sau nhiều ngày cây lúa ngâm mình trong nước. Ông bảo thu hoạch được bao nhiêu hay bấy nhiêu, và cũng chỉ để cho vịt gà ăn, chứ không có cách nào bán hay chà gạo ăn được khi mưa ngập kéo dài.

Sau nhiều ngày lúa ướt vì bị ngập ngoài đồng, không được phơi, bốc mùi hôi và có nguy cơ lên mộng, người dân đổ ra sân ngập nước để… rửa.

Nước phía bên ngoài vùng ngọt cao hơn nên không thể xả cống. Việc bơm tát hiện chỉ vài trạm bơm với công suất nhỏ, không thể tháo úng cho cả vùng. Theo đó, việc ngập lụt tại huyện Trần Văn Thời sẽ còn kéo dài.

Huyện Trần Văn Thời còn hàng ngàn hécta lúa hè thu đến kỳ thu hoạch có nguy cơ mất trắng do ngập sâu trong nước nhiều ngày qua.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *