Mưa sòng về đồng ăn gỏi

Gỏi nhộng ong, đặc sản đệ nhất của ẩm thực xứ U Minh Hạ.

Gỏi là món ăn rất mát và lành. Cá và các loại rau được chế biến công phu, rất nhiều người ăn no gỏi mà không cần ăn các món khác. Dân gian có câu: “Nắng ăn dưa, mưa ăn gỏi”. Giữa những ngày mưa sòng, ngoài vườn, rau càng cua mọc xanh non, chỉ cần hái vào sẽ có ngay món gỏi càng cua sốt cá mòi. Rau càng cua thường mọc tự nhiên, có vị chua chua giòn giòn, ngon miệng; là nguyên liệu trong nhiều món gỏi, hoặc chấm với các món kho, rất tốt cho sức khỏe. Nếu được ăn một bữa gỏi rau càng cua thì ta có cảm giác mát ruột đến tận ngày hôm sau.

Về quê ra vườn chọn hái rau càng cua non, rửa sạch, cắt thành từng khúc; thêm muối, đường, tương ớt, dầu trộn salad, tiêu, giấm, hạt nêm… Bắc chảo lên bếp nóng, cho một ít dầu ăn, sau đó cho hành tây vào phi lên cho thơm, tiếp đến cho nước sốt cá đóng hộp vào, nêm tương ớt, hạt nêm, tiêu và một ít nước nấu đến khi nước sốt sệt lại, cho tiếp cá vào, đảo đều rồi tắt bếp. Pha nước sốt dầu giấm, đường, hành tây sống trộn đều các nguyên liệu lại với nhau. Vừa khuấy vừa cho từ từ dầu trộn salad vào, trộn đều cho phần dầu tan. Cuối cùng cho hỗn hợp nước sốt vào là có được món gỏi thơm ngon khó cưỡng.

Gỏi rau càng cua, món ngon quanh nhà.

Mùa mưa, rau muống mọc đầy đồng, chỉ cần hái những đọt rau non về làm dưa chấm cá kho, ăn no bụng. Cách làm gỏi rau muống cũng rất đơn giản, nhưng chắc chắn là món ngon không thể chối từ. Nguyên liệu làm gỏi rau muống gồm ớt, đậu phộng, đường cát, chanh hoặc giấm, nước mắm, mè trắng, củ hành tím… Rau rửa sạch bỏ lá, ngâm nước muối loãng 15 phút rồi vớt ra để ráo. Đun nước sôi, cho ít muối vào, sau đó cho rau vào luộc với lửa lớn để rau vừa chín và xanh. Sau khi luộc rau xong, ngâm rau 5 – 7 phút với nước đá để cho rau giòn. Vớt rau để ráo nước, cho ớt cắt sợi, đậu phộng rang giã nhỏ, mè rang chín, cho muỗng canh nước mắm, đường, nước cốt chanh trộn đều để rau thấm, sau đó thưởng thức.

Gỏi rau muống đồng ăn kèm với các món kho rất đưa cơm.

Nhắc đến gỏi cá, người ta nghĩ ngay đến món gỏi mắm trộn đu đủ, bởi từ bao đời nay, mắm trộn đu đủ đã trở thành món ăn không thể thiếu với người dân Cà Mau nói chung, U Minh nói riêng. Hầu như tất cả các địa phương Cà Mau đều chế biến món mắm đu đủ rất thơm, ngon và hấp dẫn. Đu đủ xanh gọt vỏ, thái sợi, để ráo. Tỏi, ớt xắt miếng, sau đó cho đu đủ, tỏi, ớt, đường, bột ngọt, mắm vào trộn đều rồi cho vào keo để vài ngày là ăn được.

Gỏi mắm trộn đu đủ, hương vị miệt đồng quê.

Nếu về miệt rừng U Minh Hạ mà không thưởng thức được món gỏi nhộng ong thì coi như chưa đến xứ sở rừng tràm hoa thơm ngát này. Nhộng ong non còn trong tổ, lấy về cho vào chảo luộc để lấy nhộng, để ráo nước và bắc chảo cho dầu ăn cùng hành vào phi, sau đó cho ong non vào, thêm chút nước mắm ngon, tiêu, đường, hạt nêm là được. Loại rau chính dùng chế biến gỏi nhộng ong là bắp chuối non bào sợi, pha ít giấm và một số loại rau thơm: Húng, ngò, ít nước mắm chua ngọt trộn gỏi, sau đó cho đậu phộng rang giã nhỏ trên mặt, vậy là đã có món gỏi nhộng ong ngon nức tiếng.

Gỏi là món ăn dễ làm nhưng rất tinh tế, tỉ mỉ. Bởi vậy, hương vị gỏi rau càng cua, mắm đu đủ, gỏi rau muống đồng và đặc biệt là nhộng ong trở thành đặc sản đệ nhất của ẩm thực xứ U Minh Hạ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *