Nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng gắn với phát triển du lịch

Đến nay, huyện Ngọc Hiển có 3 nhãn hiệu tập thể, gồm: Tôm khô Rạch Gốc, bánh phồng tôm Mũi Cà Mau và cá thòi lòi Đất Mũi; trong đó, nhãn hiệu tôm khô Rạch Gốc phát triển mạnh mẽ trên thị trường, có nhiều cơ sở, hợp tác xã (HTX) mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng các đơn đặt hàng trong nước.

Tân Phát Lợi (xã Tân Ân Tây) là một trong những HTX đi đầu trong cung cấp tôm khô cho thị trường với số lượng mỗi năm vài chục tấn. HTX đã lựa chọn tôm đất, tôm bạc sinh trưởng trong tự nhiên, thịt ngọt và tươi làm nguyên liệu để sản xuất tôm khô mang nhãn hiệu tôm khô Rạch Gốc. Ngoài ra, từ con tôm, HTX Tân Phát lợi đã tìm tòi, nghiên cứu cho ra 10 sản phẩm các loại khác nhau, có giá trị cao, được thị trường chấp nhận: Tôm khô nguyên vỏ, tôm khô tách vỏ, tôm khô chà bông, mắm tôm, bánh phồng tôm, muối tôm… Trong đó có 5 sản phẩm đạt chất lượng sản phẩm nông thôn tiêu biểu và 1 sản phẩm đạt cấp quốc gia, được tiêu thụ trên thị trường hơn 3 tấn mỗi tháng. Ông Bùi Văn Chương, Giám đốc HTX, cho biết: “HTX đầu tư thiết bị, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất chế biến, tạo thành chuỗi liên kết cho từng sản phẩm đặc trưng. Sản phẩm luôn đạt chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Trong khâu nguyên liệu, HTX đã lựa chọn những con tôm có chất lượng, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, vì thế sản phẩm của HTX luôn đem lại niềm tin cho người tiêu dùng”.

Khô cá thòi lòi, một trong những sản phẩm đặc trưng của huyện Ngọc Hiển.

Từ việc đa dạng các sản phẩm đặc sản phục vụ cho du khách, đã tạo điều kiện cho ngành Du lịch của huyện phát triển. Huyện phát triển các làng nghề truyền thống, hướng đến giới thiệu, quảng bá những sản phẩm đặc sản của địa phương đến du khách.

Ngoài ra, nhiều hộ dân tại xã Đất Mũi đã xây dựng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình, tạo được việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương. Đến nay, xã có gần 10 hộ phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Nhiều hộ dân đã có những mô hình mới, cách làm hay phục vụ cho quá trình tham quan, trải nghiệm của du khách. Hộ ông Quách Văn Ngãi (ấp Cồn Mũi) là một trong những hộ dân phát triển mạnh mẽ du lịch sinh thái cộng đồng tại Đất Mũi. Hiện nay, điểm du lịch sinh thái cộng đồng của gia đình ông Ngãi đón tiếp từ 100 – 150 khách/điểm/ngày, thu nhập từ 500 – 600 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 10 lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Cơ sở sản xuất Hồng Chí Tâm, hộ sản xuất kinh doanh tôm khô Rạch Gốc đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.

Ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, thông tin: “Việc xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ phát huy được hiệu quả, thế mạnh của địa phương, góp phần đa dạng các dịch vụ du lịch, thu hút du khách; và ngược lại, hoạt động du lịch sẽ góp phần quảng bá, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển nông thôn bền vững”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *