Nâng cao hiểu biết, toàn dân ngăn chặn nạn mua bán người

Cần đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền đến từng hộ gia đình, lồng ghép giúp người dân nâng cao ý thức.

Diễn biến phức tạp

Thời gian qua được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội tập trung tối đa lực lượng, phương tiện, thực hiện các mục tiêu, giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, từng lúc, từng nơi vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp. Thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng là lợi dụng các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, có nhu cầu tìm việc làm; khai thác vào tính hám lợi, muốn làm giàu nhanh để mai mối lấy chồng nước ngoài, đưa người ra nước ngoài trái phép.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2012 đến ngày 30/8/2020, Công an tỉnh tiếp nhận 10.074 tin báo, tố giác và kiến nghị khởi tố; trong đó, có 10 tin liên quan đến mua bán người. Khởi tố liên quan đến 9 bị can. Dù không liên tục nhưng tội phạm về mua bán người vẫn diễn ra.

Cũng trong khoảng thời gian trên, ngành chức năng đã giải cứu được 20 nạn nhân, đều là nữ, bị dụ dỗ mua bán (5 nạn nhân bị bán trong nước, 15 nạn nhân bị bán sang nước ngoài). Phần lớn những đối tượng bị “mắc bẫy” thường có hoàn cảnh gia đình túng thiếu, trình độ nhận thức kém, không việc làm ổn định; chưa có thông tin khi tìm việc làm hoặc lấy chồng người nước ngoài, không có kỹ năng bảo vệ mình.

Theo ngành chức năng, một số hành vi nổi lên trong thời gian gần đây là mua bán bộ phận cơ thể người, mua bán thai nhi, tổ chức mang thai vì mục đích thương mại, tổ chức đưa phụ nữ có thai sang nước ngoài sinh để bán con hoặc đưa người ra nước ngoài trái phép để mua bán người. Đặc biệt, tình trạng tổ chức đưa người Việt Nam ra nước ngoài hoặc đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong thời gian dịch COVID-19 và thời gian tới sẽ diễn biến hết sức phức tạp.

Qua các buổi nói chuyện chuyên đề với học sinh, sinh viên, ngoài nâng cao ý thức thì các em chính là những tuyên truyền viên về công tác phòng, chống và nhận biết hành vi của tội phạm mua bán người.

Tăng cường công tác đấu tranh

“Để nâng cao ý thức trong nhân dân về công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, Công an tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan truyền thông mở các đợt tuyên truyền sâu rộng, với đa dạng các loại hình trên các phương tiện thông tin đại chúng về pháp luật, nhất là Luật Phòng, chống mua bán người, Bộ luật Hình sự năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người để người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em biết, nâng cao ý thức phòng ngừa, cảnh giác. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người – 30/7” năm 2020 với những nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi, địa bàn và tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội. Trong đó, tập trung địa bàn vùng sâu, vùng xa, kinh tế kém phát triển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Phạm Thành Lũy cho biết.

Xác định nhà nghỉ, khách sạn, điểm internet, massage thư giãn… là nơi tội phạm thường lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội hoặc lợi dụng để tập kết nạn nhân trước khi đưa họ đi bán ra nước ngoài, thời gian qua, lực lượng chức năng đã phối hợp lực lượng có liên quan kiểm tra 4.268 lượt cơ sở đăng ký quản lý hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng và 3.538 lượt các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tội phạm.

Để nâng cao ý thức trong nhân dân, không chỉ riêng ngành chức năng thực thi nhiệm vụ mà đòi hỏi tất cả các ban, ngành, đoàn thể phải vào cuộc quyết liệt, lồng ghép vào các buổi hội họp để người dân nắm và chủ động phòng tránh. Thiếu tá Đinh Văn Khén, Chính trị viên Đồn Biên phòng Rạch Rốc (huyện Ngọc Hiển), cho biết: “Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, phối hợp với đoàn thể của địa phương tuyên truyền bằng mọi hình thức đến người dân trên địa bàn nâng cao ý thức trước mọi thủ đoạn của bọn tội phạm”.

Theo nhận định của ngành chức năng, thời gian tới, hoạt động tội phạm mua bán người trên thế giới và Việt Nam (trong đó có tỉnh Cà Mau) tiếp tục diễn biến phức tạp; các đối tượng thường lợi dụng hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu hiểu biết, mất cảnh giác của người dân để lừa bán dưới dạng cưỡng ép tình dục, hôn nhân, lao động, mua bán, bắt cóc chiếm đoạt trẻ em; lợi dụng các mạng xã hội giới thiệu tạo lòng tin, nhất là phụ nữ, thanh thiếu niên thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thiếu sự quản lý, để bán ra nước ngoài.

Trước thực tế đó, Đại tá Phạm Thành Lũy yêu cầu các lực lượng chức năng Công an tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể phổ biến giáo dục pháp luật để người dân nắm được các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người; tuyên truyền, tập trung lồng ghép với các buổi họp tổ dân phố, nhà trường, nói chuyện chuyên đề với học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, Hội Phụ nữ. “Các gia đình có con em đang ở độ tuổi vị thành niên cần chú ý quản lý việc sử dụng công nghệ thông tin; phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để quản lý, nắm được các mối quan hệ bạn bè để có sự giáo dục, quản lý, phòng tránh bị các đối tượng mua bán người lợi dụng, lừa gạt”, Đại tá Phạm Thành Lũy khuyến cáo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *