Nghiêm túc xem xét trách nhiệm một cách “thấu tình, đạt lý”

Qua thời gian dài triển khai trong điều kiện tác động nghiêm trọng và liên tục của biến đổi khí hậu, nên Dự án đầu tư đê biển Tây Cà Mau có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tế. Ảnh: Đê biển Tây Cà Mau bị sạt lở nghiêm trọng, phải tiến hành kè khẩn cấp vào tháng 8/2019.

Phải xuất toán nếu giải trình không thuyết phục

Ông Lê Văn Sử khẳng định, từ kết quả kiểm toán, nhận ra rằng công tác quản lý đầu tư dự án đã qua còn có hạn chế, cần phải chấn chỉnh, khắc phục, xử lý đúng theo quy định.

Quan điểm và là mục tiêu trước mắt của tỉnh là đảm bảo chất lượng và hiệu quả công trình, tránh gây thất thoát ngân sách đầu tư.

Về “đạt lý”, chủ đầu tư (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – PV) phải thực hiện đúng theo tư vấn thiết kế; tư vấn thiết kế không đúng thì phải xem xét trách nhiệm. Đối với hạng mục rà phá bom mìn, nếu đơn vị thi công không giải trình được về khối lượng theo như kết luận của Kiểm toán, thì phải xuất toán.

Về “thấu tình”, ông Sử cho rằng, công trình xây dựng đê biển Tây Cà Mau là công trình nâng cấp đê biển trên nền đê đất đã có cách nay trên 10 năm. Trong điều kiện thực hiện tại vùng có quá nhiều khó khăn, thời gian kéo dài, nhất là trước tác động của biến đổi khí hậu, đã ảnh hưởng tiến độ, chất lượng, buộc địa phương phải thường xuyên thay đổi để phù hợp thực tế theo từng giai đoạn.

Nhiều vị trí đê biển luôn trong tình trạng bị thiên tai tác động nghiêm trọng, thay đổi hiện trạng khá nhiều so với thiết kế, nên cần linh hoạt điều chỉnh phù hợp theo từng thời điểm.

“Đây chỉ là thông tin bước đầu trước sự quan tâm của dư luận về kết luận của Kiểm toán Nhà nước, ngày mai (8/9), tỉnh sẽ có văn bản thông báo chính thức về nội dung này”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Văn Sử khẳng định, đồng thời cho biết UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan xem xét, xử lý, tham mưu toàn diện thực hiện theo ý kiến kết luận của Kiểm toán Nhà nước đúng theo quy định.

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai phạm

Kiểm toán Nhà nước Khu vực V vừa có kết luận,ngày 28/7 về việc sử dụng vốn Nhà nước đầu tư Dự án nâng cấp đê, làm kè khu vực biển Tây Cà Mau. Theo đó, ngoài việc chỉ ra các sai phạm về tài chính, vi phạm một số điều cấm của Luật Đê điều, Kiểm toán Nhà nước còn kiến nghị cơ quan chức năng rà soát tính an toàn của đê biển Tây Cà Mau.

Theo kết luận, qua 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng đê biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Kiểm toán đã phát hiện số tiền sai phạm phải thu hồi nộp ngân sách, giảm thanh toán và giảm giá trị hợp đồng là hơn 95 tỷ đồng. Trong đó, hơn 90 tỷ đồng thanh toán sai so với dự toán được duyệt; thanh toán sai so với khối lượng thi công thực tế khoảng 5,4 tỷ đồng.

Kiểm toán cũng chỉ ra việc sử dụng không hiệu quả vốn ngân sách. Cụ thể, năm 2010, tỉnh Cà Mau phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp đê biển Tây, nhưng sau đó điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi. Tuy nhiên, trước khi điều chỉnh, Cà Mau đã thực hiện công tác đo đạc bản đồ, kiểm kê giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn. Toàn bộ các phần việc này không phục vụ cho dự án đã điều chỉnh sau nên gây lãng phí hơn 25 tỷ đồng.

Trong phần rà phá bom mìn, nhiều diện tích không được rà phá nhưng đã thanh toán toàn bộ cho hạng mục này là hơn 16 tỷ đồng. Kiểm toán đề nghị tỉnh rà soát, thu hồi cho ngân sách diện tích chưa thực hiện.

Kiểm toán cũng phát hiện có nhiều dấu hiệu sai phạm tài chính khác nhưng chưa đủ điều kiện để làm rõ, trong đó giá kè ly tâm dự ứng lực dùng để làm kè chắn sóng bảo vệ rừng phòng hộ, ước tính số chênh lệch giá đã thanh toán cho các nhà thầu so với giá thị trường cùng thời điểm khoảng 28 tỷ đồng. Vì vậy, Kiểm toán kiến nghị Cà Mau tự tổ chức đối chiếu, cấn trừ để thu hồi về cho ngân sách nhà nước.

Nhiều thiết bị thi công cũng có dấu hiệu cao hơn giá thực tế, gian lận chất liệu. Cụ thể, trong gói thầu 245 mua hai máy đào gầu và một sà lan (thực hiện năm 2018) mua cao hơn giá thị trường 1,5 lần (khoảng 700 triệu đồng); còn sà lan độ dày thép chỉ 6mm, trong khi thiết kế được duyệt là 8mm…

Trên cơ sở ảnh vệ tinh và các báo cáo tiến độ thi công mà Ban Quản lý dự án báo cáo UBND tỉnh thể hiện, vào thời điểm giá cát tăng đột biến năm 2017, các gói thầu 87, 88, 89 chưa thi công. Thế nhưng hồ sơ nghiệm thu thanh toán lại thể hiện đã thi công, nghiệm thu đúng thời điểm giá cát đột biến tăng này. Từ đó, ba gói thầu này có tổng số tiền bù giá cát tăng thêm đến 11,8 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án đã tự xác định giá trị sai ở phần giá cát này là 3,2 tỷ đồng, đã nộp khắc phục được 3 tỷ đồng.

Ở gói thầu 87, nghiệm thu sai khối lượng đất mua của dân để đắp đê. Giá trị thực mua chỉ chưa đến 1,2 tỷ đồng, nhưng nghiệm thu thanh toán cho nhà thầu đến 3,6 tỷ đồng, tăng gấp ba lần.

Đá gia cố lề ở 5 gói thầu bị phát hiện chưa được đầm chặt và mỏng hơn thiết kế. Thiết kế đá gia cố lề là 29,6cm nhưng thực tế chỉ đạt 12cm.

Ở công tác quản lý chất lượng công trình, Kiểm toán kết luận, chủ đầu tư đã để xảy ra tình trạng nhà thầu thi công không đúng thiết kế, có thể ảnh hưởng đến tính an toàn đê và dân cư lân cận. Cụ thể, ở 8 gói thầu: 87, 88, 89, 149, 150, 151, 152 và 153, các nhà thầu đã đào đất nguyên thổ để đắp chân trong phạm vi lưu không, vi phạm điều cấm của Luật Đê điều. Ở gói thầu 149 dài 2,9km nhà thầu còn đào sâu hơn thiết kế từ 0,9m đến 2,7m rồi bơm bùn nơi khác bù vào.

Trong lập dự toán để mua thiết bị thi công xác định đích danh đơn vị cung cấp là Công ty cổ phần Thương mại Thới Bình. Sau đó cũng công ty này đã trúng thầu, cung cấp máy đào gầu và sà lan. Giá cung cấp cao hơn thị trường 700 triệu đồng.

Đặc biệt, việc phê duyệt thiết kế cơ sở vi phạm hành vi bị nghiêm cấm của Luật Đê điều năm 2006 là cho phép khai thác đất trong hành lang bảo vệ đê. Quy định hành lang bảo vệ đê là 25m, nhưng khi phê duyệt lại cho đào đất ở khu vực cách đê 10m; duyệt thiết kế cơ sở hệ số đầm chặt K = 0,85, trong khi quy định K = 0,92…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *