Nhìn lại 5 năm phát triển sản phẩm du lịch Đất Mũi

Khu du lịch sinh thái cộng đồng Như Ý trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc sản Cà Mau với du khách.

Qua 5 năm xây dựng đề án và triển khai thực hiện, Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau (Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau) đã và đang khai thác có hiệu quả các sản phẩm tham quan phục vụ khách du lịch. Trưởng ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, ông Tạ Huỳnh Vĩnh Trường cho biết: “Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đang tập trung khai thác tuyến xuyên rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau phục vụ du khách tham quan, khám phá sự đa dạng sinh học của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, tìm hiểu về hệ động, thực vật tiêu biểu của Vườn Quốc gia. Phục vụ tham quan du lịch vị trí địa lý – điểm cực Nam Tổ quốc: Mốc điểm cuối đường Hồ Chí Minh; Mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001, tiểu cảnh Pano Mũi Tàu… Đến cuối năm 2019, các công trình Đền thờ Lạc Long Quân, Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi hoàn thành, đã tăng thêm sản phẩm tham quan phục vụ du khách”.

Hoạt động du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng thời gian qua đã thu hút hơn 40.000 lượt khách/năm. Du khách được trải nghiệm “một ngày làm nông dân” với các hoạt động: Bắt ba khía, xổ vuông, đặt lọp cua, bắt sò – vọp, ngắm các loài chim di trú… Du lịch cộng đồng được khai thác và phát huy hiệu quả, tạo thu nhập ổn định cho người dân.

Bên cạnh việc xây dựng phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ tham quan, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên, hoạt động sản xuất gắn với văn hóa bản địa, các điểm du lịch cộng đồng mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống phòng nghỉ, đảm bảo điều kiện phục vụ cho du khách lưu trú, sức chứa tại các điểm cộng đồng khoảng 500 lượt khách lưu trú/ngày.

Các tổ chức, cá nhân, các điểm du lịch cộng đồng tại Đất Mũi quan tâm xây dựng, phát triển sản phẩm lưu niệm phục vụ khách tham quan du lịch; nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ được trưng bày: Đũa đước, vẹt; mật ong, rượu trái giác… do các hộ dân tại địa phương tự sản xuất phục vụ du khách làm quà tặng, lưu niệm.

Song song đó, các hoạt động phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách luôn được quan tâm chú trọng, nhất là việc quảng bá, giới thiệu về sự đa dạng phong phú của các loài thủy, hải sản đặc sản của Cà Mau được chế biến bằng nhiều phương pháp, hình thức khác nhau, thể hiện nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của con người và vùng đất Cà Mau: Các loại khô cá biển đặc trưng của Cà Mau (tôm khô, khô cá thòi lòi, khô cá bớp, khô mực, khô cá rúng, khô cá đuối); các loại mắm (mắm cá chim, mắm tôm, ba khía muối); đặc sản cua Cà Mau, ghẹ biển, cá dứa, cá chẽm; ốc len; cháo hàu; sò huyết rang muối; vọp hấp gừng; lẩu riêu cua; ba khía rang me…

Đánh giá về kết quả thực hiện Đề án “Xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch Đất Mũi giai đoạn 2015 – 2020”, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Trần Hiếu Hùng cho biết, trên cơ sở triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án, các cơ quan, các đơn vị kinh doanh du lịch tích cực tham gia các chương trình kích cầu du lịch do Trung ương và địa phương phát động, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện về trang thiết bị, dịch vụ phục vụ du khách với mục tiêu đảm bảo an toàn, tiện lợi. Các công ty lữ hành, khu điểm du lịch, xây dựng các chương trình du lịch, các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, dịch vụ vui chơi giải trí phong phú, đa dạng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du khách nhân các ngày lễ, tết. Tình hình an ninh trật tự, an toàn cho du khách, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả được ổn định,… là điều kiện tốt để thu hút khách du lịch, tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cộng đồng dân cư đối với công tác phát triển du lịch.

Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đang tập trung khai thác tuyến xuyên rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, phục vụ du khách tham quan, khám phá sự đa dạng sinh học của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau.Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đang tập trung khai thác tuyến xuyên rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, phục vụ du khách tham quan, khám phá sự đa dạng sinh học của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau.

Công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức: Trên các phương tiện truyền thông, các kỳ hội chợ, triển lãm…; sản phẩm du lịch có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, thu hút sự quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp lữ hành, du khách trong và ngoài nước; từng bước hình thành sản phẩm đặc trưng, phát triển thương hiệu du lịch Cà Mau trên bản đồ du lịch. Nguồn nhân lực tham gia vào hoạt động du lịch ngày càng tăng, cơ bản giải quyết các vấn đề về việc làm, tạo điều kiện phát triển đời sống vật chất, tinh thần cho lực lượng lao động địa phương, nhất là lao động phổ thông, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nhìn nhận, sự phối hợp giữa các đơn vị, các ngành trong việc cho thuê đất, thuê môi trường rừng tại Khu du lịch Mũi Cà Mau chưa có sự thống nhất chung; địa phương chưa có phương án khả thi trong phát triển làng nghề phục vụ du lịch. Nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch và của ngành còn hạn chế về kỹ năng nghiệp vụ và năng lực chuyên môn. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ đến các khu du lịch Đất Mũi còn nhiều khó khăn, thời gian gần đây xe lớn của các công ty lữ hành mới được tiếp cận. Việc xây dựng mô hình làng rừng và dịch vụ trải nghiệm tham quan biển ven bờ Mũi Cà Mau chưa có nhà đầu tư xây dựng và khai thác sản phẩm phục vụ khách du lịch…

Ông Trần Hiếu Hùng cho biết, trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường đến các điểm du lịch cộng đồng, cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ… tập trung kỳ quyết xây dựng sản phẩm mới và hoàn thiện các sản phẩm du lịch theo Đề án được duyệt. Nhất là xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề…, nâng cao sức cạnh tranh, hấp dẫn, thu hút khách du lịch.

Để du khách đến Cà Mau thêm yêu mến, thêm tình cảm với vùng đất thiêng của Tổ quốc

Ngày 17/12, UBND tỉnh có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh. Phát biểu chỉ đạo, Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân nhấn mạnh, cần chọn sự kiện điểm nhấn để kéo du khách về Cà Mau, cùng với đó là tổ chức nhiều hoạt động tiếp nối để du khách có thời gian ở lại với Cà Mau dài ngày. Việc này không chỉ làm trong năm 2021 mà phải thường niên, dần sẽ tăng về quy mô, tổ chức bài bản. Làm sao để du khách đến Cà Mau thêm yêu mến, thêm tình cảm với vùng đất thiêng của Tổ quốc.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân cho rằng, thông qua các sự kiện nhằm tăng cường thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả tài nguyên phục vụ phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đưa tỷ trọng du lịch đóng góp ngày càng cao trong cơ cấu tổng sản phẩm nội tỉnh, góp phần thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *