Nơi chắp cánh những ước mơ sáng tạo

Mỗi năm, lực lượng hội viên thuộc các chuyên ngành cho ra đời từ 500 – 700 tác phẩm có giá trị về tư tưởng nghệ thuật. Ảnh: Hội viên phân hội Nhiếp ảnh tại Triển lãm ảnh nghệ thuật Bạc Liêu – Cà Mau năm 2007.

Là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, Hội VHNT tỉnh Cà Mau là nơi tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ hơn 270 người của 9 chuyên ngành, hoạt động tích cực, đầy sáng tạo trên các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, triển lãm và xuất bản. Hai mươi năm qua, Hội đã tập hợp, bồi dưỡng một lực lượng VHNT đông đảo, góp phần rất lớn vào việc hình thành một mảng VHNT mang màu sắc địa phương rất đặc sắc, hòa quyện vào dòng chảy VHNT chung của cả nước.

Dưới “mái nhà chung” Hội văn học nghệ thuật, văn nghệ sĩ Cà Mau được tạo điều kiện sáng tác và khơi nguồn cảm hứng sáng tạo.

Năm 1997, 1998 sau khi chia tách tỉnh, mỗi năm có trên 70 tác phẩm và công trình VHNT đoạt giải thưởng địa phương, khu vực, quốc gia và quốc tế. Hoạt động sáng tạo VHNT ở Cà Mau đến nay phát triển trên diện rộng và không ngừng nâng cao chất lượng, có vị trí xứng tầm trong đời sống tinh thần của công chúng trong và ngoài tỉnh.

Năm 2008, Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” ra đời, sau đó Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau có Chương trình hành động và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 23, như luồng gió mới đến với văn nghệ sĩ trong tỉnh. Theo đó, VHNT Cà Mau đã có mặt trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước và của tỉnh để mô tả, phản ảnh những nhân tố tích cực, phê phán những tiêu cực. Thế hệ đi trước truyền lửa cho thế hệ đi sau tiếp nối nuôi dưỡng ngọn lửa sáng tạo. Trong 9 chuyên ngành VHNT, mỗi thể loại đều có những tác giả tài năng, yêu nghề, ngày đêm miệt mài sáng tạo, thắp sáng cho cuộc sống trong những thời điểm phát triển của công cuộc đổi mới trên quê hương Cà Mau.

Tác phẩm “Những người mẹ”. Tác giả: Lý Phước Như, giải A – Triển lãm Mỹ thuật ĐBSCL lần thứ 18 năm 2013 tại Bạc Liêu.

Để tạo cảm hứng và điều kiện cho văn nghệ sĩ, Hội VHNT tỉnh luôn quan tâm phong trào sáng tác bằng nhiều hình thức. Hàng năm từ nguồn đầu tư của Trung ương Hội và ngân sách địa phương, Hội tổ chức từ 3 – 5 chuyến đi thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh, phát động sáng tác, tổ chức các cuộc thi, trưng bày triển lãm, biểu diễn, đầu tư sáng tác, mở trại sáng tác… Mỗi năm, lực lượng hội viên sáng tác từ 500 – 700 tác phẩm trên các lĩnh vực, có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và đáp ứng nhu cầu thưởng thức của những người yêu VHNT; trong đó, nhiều tác phẩm thuộc các chuyên ngành: Mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, văn học… đoạt giải cao tại các cuộc thi trong tỉnh, khu vực, quốc gia và quốc tế.

Đáng nói là Hội VHNT tỉnh đã tham mưu lãnh đạo tỉnh tổ chức Giải thưởng VHNT Phan Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau. Đây là giải thưởng lớn của tỉnh, mang tên Nhà giáo – Nhà báo – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Ngọc Hiển. Giải thưởng được tổ chức 5 năm một lần. Năm 2016 là lần thứ ba, tỉnh tổ chức xét tặng tác phẩm, công trình của tác giả, nhóm tác giả trong và ngoài tỉnh có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh về đất và người Cà Mau trong chiến tranh cách mạng bảo vệ Tổ quốc, trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Giải thưởng nhằm biểu dương, tôn vinh, phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật; động viên, khuyến khích, thúc đẩy và định hướng hoạt động sáng tạo VHNT của tỉnh Cà Mau trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Công tác xuất bản sách cũng được chú trọng và đầu tư bằng nhiều hình thức, ngoài Tạp chí Văn nghệ Cà Mau – là diễn đàn không thể thiếu của văn nghệ sĩ, còn xuất bản nhiều đầu sách có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật: Tuyển tập văn học Cà Mau, Tuyển tập ca khúc Cà Mau, Ảnh nghệ thuật Cà Mau, Mỹ thuật Cà Mau, Tư liệu kháng chiến – Những năm tháng không quên, Văn nghệ dân gian Cà Mau, Tập tự học đờn ca tài tử Nam Bộ, tập sách Giải thưởng VHNT Phan Ngọc Hiển lần thứ I và lần thứ II…

Hoạt động triển lãm tranh, ảnh được tổ chức thường xuyên: Triển lãm tranh, ảnh cấp tỉnh phục vụ các sự kiện lớn trong năm; tham gia triển lãm khu vực, quốc gia và quốc tế. Ngoài ra, còn hỗ trợ tác phẩm cho các ngành, các địa phương tổ chức trưng bày, triển lãm phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng. Bên cạnh các hoạt động mang tính chuyên nghiệp, Hội VHNT tỉnh còn làm nòng cốt xây dựng phong trào VHNT ở các cơ quan, ban, ngành và một số địa phương, các câu lạc bộ trong tỉnh. Qua đó, tập hợp anh chị em có khả năng sáng tác các loại hình VHNT nhưng chưa là hội viên, nhất là lực lượng trẻ của các trường học trong tỉnh.

Nghệ sĩ – tác phẩm – công chúng là ba khâu quan trọng của chu kỳ sáng tạo VHNT. Để làm tròn trọng trách của VHNT trong thời kỳ phát triển của đất nước và của tỉnh, đội ngũ văn nghệ sĩ Cà Mau đang kế thừa tinh hoa nghệ thuật của những người đi trước, tràn đầy sức sáng tạo, luôn bám sát thực tiễn sinh động của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa – hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; tìm tòi những cảm xúc, sáng tạo nên nhiều tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.

Hội VHNT tỉnh Cà Mau vừa được UBND tỉnh chủ trương xây dựng “Đề án phát triển VHNT tỉnh Cà Mau từ nay đến năm 2030”, thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với lĩnh vực VHNT, là cơ hội để văn nghệ sĩ Cà Mau có điều kiện nâng cánh những ước mơ sáng tạo để vươn mình ra biển lớn, đưa mái nhà chung của văn nghệ sĩ lên tầm cao của nghệ thuật, hòa vào vòng chảy chung đầy biến tấu của nền văn hóa, nghệ thuật cả nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của công chúng.

Nhìn lại chặng đường 20 năm với bề dày tác phẩm VHNT của đội ngũ văn nghệ sĩ Cà Mau, công chúng tỉnh nhà luôn mong chờ vào tài năng, sức sáng tạo của văn nghệ sĩ tỉnh sẽ tiếp tục cho ra đời nhiều hơn nữa những tác phẩm văn hóa, văn nghệ chất lượng cao, xứng đáng với niềm tin của Đảng và sự ngưỡng vọng của công chúng ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *