Nông nghiệp Cà Mau thời VietGAP

Gần đây, mô hình sản xuất sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt được chú trọng.

Tạo diện mạo mới cho ngành trồng trọt

Để sản xuất nông nghiệp đạt chất lượng cao, mang lại thu nhập ổn định, giúp nông dân có cuộc sống ổn định hơn và sống được trên đồng đất quê mình, ngành Nông nghiệp tỉnh đã không ngừng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế, tiến tới phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Nhiều mô hình được triển khai hiệu quả: Tôm – lúa kết hợp; trồng lúa, trồng rau, trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP… Điển hình là mô hình tôm – lúa.

Tận dụng đất nuôi tôm trong thời giao mùa, nông dân TP. Cà Mau đã thí điểm mô hình lúa – tôm vào mùa nước lợ. Kết quả ban đầu cho thấy tính khả thi cao, năng suất lúa bình quân 5 tấn/ha. Bên cạnh đó, còn thu được khoảng 45 triệu đồng/ha từ tôm thương phẩm. Mô hình này đang được ngành chức năng khuyến khích nhân rộng. Gần đây, mô hình sản xuất sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt cũng được chú trọng. Thống kê sơ bộ, Cà Mau có 168ha đất trồng đạt chuẩn VietGAP. Trong đó, lúa chiếm khoảng 120ha. Đạt được kết quả đó là do nông dân đồng loạt áp dụng phương pháp, quy trình theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp. Song song đó, tỉnh cũng đã triển khai mô hình sản xuất Cánh đồng lớn (lồng ghép các tiến bộ kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng theo chuẩn VietGAP) và xây dựng vùng canh tác lúa hữu cơ đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ và châu Âu.

Các giống lúa mùa đặc sản được ưa chuộng và đã thích nghi ở vùng bị ảnh hưởng mặn tại Cà Mau, gồm: Tài nguyên, tép hành, một bụi, ba bông mẳn. Giống tép hành và ba bông mẳn rất ngon cơm nên được nhiều nông hộ trồng. Nhu cầu thị trường nội địa đối với các giống lúa mùa đặc sản rất ổn định và hiệu quả khá cao về mặt kinh tế đối với người sản xuất. Tuy vậy, việc nghiên cứu cải thiện, phục tráng các giống lúa mùa đặc sản ít được chú ý đầu tư, cho nên người dân vẫn phải sử dụng lúa thịt làm giống, dẫn đến tình trạng giống bị thoái hóa, năng suất giảm, lúa thương phẩm lẫn hạt đỏ, hạt khác dạng nên giảm giá trị thương mại.

Dự án ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP cho hệ canh tác lúa – tôm tỉnh Cà Mau thuộc Chương trình nông thôn miền núi đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và ủy quyền địa phương quản lý. Mục tiêu của dự án là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP cho hệ canh tác lúa – tôm tỉnh Cà Mau, nhằm tạo ra sản phẩm lúa gạo có chất lượng tốt, nâng cao hiệu quả sản xuất.

“Dự án VietGAP trên lúa đối với tỉnh Cà Mau còn rất mới, nhưng với sự cố gắng và hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, bước đầu đã thực hiện theo đúng tiến độ về khối lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm dự án và ứng dụng ngay vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh”, kỹ sư Phạm Văn Mịch, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau, chia sẻ.

Còn trên nông sản, nhiều nông hộ đã áp dụng mô hình trên và mang lại lợi nhuận đáng kể. Tại xã Lý Văn Lâm (TP. Cà Mau) có 21ha của 34 hộ trồng dưa hấu theo chuẩn VietGAP, thu lợi bình quân 200 triệu đồng/ha, cao hơn 40% so với cách sản xuất thông thường. Theo cách truyền thống, dưa hấu cho chất lượng cao nhưng giá thành thấp. Áp dụng mô hình này giúp nâng cao sản lượng và giúp sản phẩm bán ra thị trường với giá cao hơn.

Cà Mau đã khuyến khích và tăng cường hỗ trợ người dân triển khai nhiều mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP.

Nâng cao giá trị con tôm

Nuôi trồng thủy sản là ngành trọng điểm đem lại nguồn thu ngân sách lớn cho tỉnh, trong đó nuôi tôm chiếm tỷ trọng cao. Tuy nhiên, gần đây lại có xu hướng suy giảm. Nguyên nhân được xác định là do yêu cầu về chất lượng ngày càng cao của thị trường xuất khẩu. Để giải quyết vấn đề trên, Cà Mau đã khuyến khích và tăng cường hỗ trợ người dân triển khai nhiều mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, tôm sinh thái chất lượng cao, tôm sạch, để nâng giá trị sản phẩm. Đặc biệt, chú trọng mở rộng mô hình nuôi tôm nước lợ theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu phát triển bền vững nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp an toàn sinh học theo hướng VietGAP được Ban Quản lý dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững” tỉnh Cà Mau (dự án CRSD), hỗ trợ từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới. Dự án được triển khai tại 161 hộ nuôi tôm trên địa bàn ấp Tân Điền (xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi) trên diện tích hơn 100ha. Hiện dự án đang được mở rộng thêm khoảng 90 hộ dân tham gia, với 4 tổ thực hiện. Trong đó, 1 tổ thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ công nghiệp sinh học với 32 người tham gia, 3 tổ còn lại nuôi tôm quảng canh cải tiến nước tĩnh. Nguồn vốn của dự án là 17 triệu USD, hỗ trợ cho 5 huyện: Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn và Ngọc Hiển.

Ở huyện Đầm Dơi, mô hình đang thử nghiệm tại hộ ông Tô Hoài Thương (ấp Tân Điền, xã Tân Duyệt) với mật độ thả nuôi 100 con/m2, trong đó, nhà nước hỗ trợ 100% con giống và 30% thức ăn. Qua gần 4 tháng nuôi, ông Thương thu hoạch được trên 2,8 tấn, trọng lượng 58 con/kg. Sau khi trừ chi phí, ông còn lợi nhuận gần 200 triệu đồng.

Nói về phát triển con tôm Cà Mau theo hướng VietGAP, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử: Qua việc tổng rà soát các mô hình nuôi tôm trong tỉnh, sẽ tiến hành tổng kết, nhân rộng các mô hình có hiệu quả hiện nay, tiêu biểu là mô hình nuôi tôm hai giai đoạn cho tất cả các loại hình nuôi; hướng đến ngành tôm theo chuẩn VietGAP là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành Nông nghiệp tỉnh thời gian tới.

Với những gì đã thực hiện, ngành Nông nghiệp Cà Mau đang khuyến khích nông dân chuyển hướng trồng lúa và hoa màu theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm xây dựng thương hiệu lúa gạo, nông sản, con tôm Cà Mau được thị trường tiêu thụ mạnh, đem lại lợi nhuận cao cho nhà nông; để người người, nhà nhà đều hiểu và sản xuất theo công nghệ mới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *