Nuôi chim cút: Làm chơi – ăn thật

Anh Đương tự mày mò chế máy ấp trứng cút tự động. “Lò” ấp này không ngại bị cúp điện vì nó giữ được độ ấm lâu, không sợ trứng bị hỏng.

Do có kinh nghiệm nuôi từ trước nên mô hình này không làm khó được anh Đương. Theo anh Đương chia sẻ, việc nuôi chim cút cũng giống như nuôi các loài gia cầm khác, có nhiều công đoạn khác nhau: Đưa trứng vào lò ấp, khoảng 10 ngày đưa ra bán trứng cút lộn, số nào để giống thì ấp thêm khoảng 7 – 8 ngày. Sau đó phân loại cút trống, cút mái để phân chuồng tiếp tục gây đàn. Cứ thế đàn cút nhà anh càng ngày càng nhiều, chưa tròn 1 năm, từ chỉ có vài chục cặp, đến nay đã trên 1.700 con cút giống. Anh Đương cho biết, nếu không bán cút thịt thì có trên 4.000 con.

Anh Đương (phải) chia sẻ cách phân biệt chim cút trống và cút mái. Cút trống dưới ức có lông màu đỏ. Mỗi chuồng khoảng 30 con chỉ cần 3 con cút trống.

Giá cút thịt 15 ngàn đồng/con, còn trứng cút trắng 30 ngàn đồng/50 trứng, trứng cút lộn giá 45 ngàn đồng/50 trứng. Bình quân mỗi ngày anh thu nhập từ trứng cút khoảng 600 – 700 ngàn đồng. Dễ nuôi mà cho thu nhập cao, chi phí thấp, không tốn nhiều công chăm sóc. Cút khoảng 50 ngày tuổi bắt đầu đẻ trứng. Đây là giống chim đẻ liên tục, tuy nhiên khoảng 10 tháng phải thay con giống khác, để có sản lượng trứng cao hơn. Việc này đòi hỏi người nuôi phải biết cách chọn lọc giống kế thừa, mới cho thu nhập đều đặn.

Ngoài ra, anh Đương còn có nghề “tay trái” là thu mua cua. Để tiêu thụ được trứng, mỗi ngày, anh kết hợp vừa đi mua cua vừa bán trứng cút, có khi bỏ mối cho các thương lái, khi thì bán cho những người bán bò viên… Bằng cách lấy công làm lời, kinh tế gia đình anh ổn định hơn.

Tổng đàn cút nhà anh đã có trên 1.700 con cút giống.

Với nguồn vốn ban đầu chỉ hơn 1,5 triệu đồng, đến nay đàn cút nhà anh cho thu nhập cao. Tới đây, nếu đầu ra ổn định, anh sẽ mở rộng mô hình, kết hợp nuôi thêm cá.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *