Nuôi đông trùng hạ thảo – nghề mới ở Cà Mau

Sản phẩm đông trùng hạ thảo tại Cơ sở Nấm Biển Việt của anh Lê Tuấn Hưng.

Nhờ nuôi cấy thành công ĐTHT, anh Tuấn Hưng (42 tuổi, ngụ Phường 5, TP. Cà Mau) có nguồn thu nhập mỗi tháng vài chục triệu đồng. Anh đến với nghề nuôi cấy ĐTHT như một cơ duyên. Quê anh ở Đầm Dơi, cưới vợ ở Sài Gòn. Có lần anh Hưng bị cơn ho nhiều ngày, suy nhược cơ thể. Chị Đào Nguyễn Ngọc Minh (vợ anh Hưng) nghe người quen chỉ dùng ĐTHT khô, trị được nhiều bệnh nên mua về pha trà cho chồng uống. Sản phẩm ĐTHT tươi, chị Minh làm thực phẩm rau dùng hàng ngày. Thời gian sau, sức khỏe của anh Hưng chuyển biến tích cực. Thấy công dụng vượt trội của loài dược liệu quý hiếm này, vợ chồng anh Hưng quyết định tìm cách nuôi cấy ĐTHT và đã liên kết với một công ty tại TP. Hồ Chí Minh thực nghiệm nhân giống.

Để nuôi được loài dược liệu quý hiếm này, anh Hưng học tập từ các mô hình nuôi ĐTHT ở TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng… “Được các kỹ sư, chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp hướng dẫn. Đợt đầu tôi cấy thử 150 phôi, nhưng không có kết quả, do môi trường nuôi bị nhiễm bệnh, chỉ còn được vài phôi. Quyết không bỏ cuộc, tôi mượn thêm kinh phí từ gia đình và người thân, dồn hết tâm trí và sức lực cấy ĐTHT lần thứ 2, đạt tỷ lệ hơn 80%”, anh Hưng phấn khởi.

Thường xuyên kiểm tra nghiêm ngặt quá trình từ cấy phôi đến thành phẩm.

Nuôi cấy ĐTHT không dễ, vì loài nấm này thường sống vùng cao nguyên lạnh giá quanh năm, đòi hỏi nguồn dinh dưỡng, vật ký sinh phù hợp để phát triển. Theo anh Hưng, phôi được nhập về từ Nhật Bản, Hàn Quốc cùng một số vi lượng thiết yếu. Phôi được nuôi trong lọ, bổ sung thêm dinh dưỡng, sau đó hấp tiệt trùng rồi mới cấy giống nuôi. Trước khi cấy phải khử hết yếu tố vi sinh vật bên ngoài để đảm bảo nấm không nhiễm bệnh.

Để cho ra sản phẩm ĐTHT hoàn thiện, cần thời gian từ 90 ngày trở lên và được nuôi trong phòng kín, nhiệt độ từ 20 độ trở xuống, độ ẩm trung bình trên 85%. Để đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm ổn định, anh Hưng tiếp tục đầu tư thêm hệ thống máy móc, gắn cảm biến để điều chỉnh nhiệt độ thích hợp giúp cho ĐTHT phát triển.

Anh Lê Tuấn Hưng bên mô hình nuôi đông trùng hạ thảo tại Cà Mau.

Hiện nay, Cơ sở Nấm Biển Việt của anh Tuấn Hưng mỗi tháng sản xuất ra từ 1 – 2kg ĐTHT khô, với giá từ 60 – 70 triệu đồng/kg. Sản phẩm tươi có giá từ 3 – 4 triệu đồng/kg. Với mong muốn đưa loại thảo dược quý hiếm tiếp cận với giới bình dân, ngoài việc bán sản phẩm tươi và khô, anh Hưng sản xuất loại rượu ĐTHT và anh đang có ý tưởng sản xuất thêm nước uống đóng chai có lợi cho sức khỏe.

Nuôi ĐTHT tại Cà Mau là một nghề mới, ngoài kỹ thuật sản xuất phức tạp thì chi phí đầu tư ban đầu cũng không nhỏ. Để giúp cho nhiều thanh niên khởi nghiệp vươn lên làm giàu từ nghề trồng loại thảo dược đặc biệt này, các ngành chức năng tỉnh Cà Mau cần tạo điều kiện thuận lợi để mô hình nuôi ĐTHT tại Cà Mau phát triển hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh.

ĐTHT có một số tác dụng: Hỗ trợ điều trị ung thư, hỗ trợ cho bệnh nhân xạ trị; bảo vệ thận, phục hồi tế bào thận; hỗ trợ miễn dịch cho cơ thể, chống viêm nhiễm, kháng viêm; kiểm soát bệnh tiểu đường; bảo vệ phổi, trị các bệnh về phổi, trừ đờm, hen suyễn, suy hô hấp, trị các chứng ho lâu ngày; tăng cường sinh lý, hỗ trợ điều trị vô sinh…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *