Phát huy vai trò của ngành Tư pháp trong hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam

Năm 2020, mặc dù đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tình hình kinh tế – xã hội cũng như kế hoạch triển khai công tác của nhiều bộ, ngành Trung ương đến địa phương, nhưng toàn ngành Tư pháp đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, theo đó hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Cà Mau. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Cà Mau.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2020, Bộ, ngành Tư pháp đã tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua 17 luật, nâng số luật, pháp lệnh, nghị quyết do Chính phủ trình và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua cả nhiệm kỳ là 112 văn bản. Các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 968 văn bản, trong số hơn 5.300 văn bản của cả nhiệm kỳ. Ở cấp tỉnh, cấp huyện có gần 4.200 văn bản đã được ban hành, tính cả nhiệm kỳ là gần 35.000 văn bản.

Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tiếp tục được chú trọng nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ. Năm 2020, Bộ Tư pháp đã thẩm định 258 dự thảo; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 405 dự thảo; các Sở Tư pháp thẩm định 4.162 dự thảo và 983 dự thảo do các phòng Tư pháp thẩm định. Tính cả nhiệm kỳ, toàn ngành đã thẩm định trên 42.000 văn bản.

Năm 2020, Bộ Tư pháp và tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã kiểm tra theo thẩm quyền gần 5.400 văn bản, tính cả nhiệm kỳ là hơn 40.000 văn bản. Thông qua hoạt động kiểm tra, nhiều văn bản trái pháp luật được đề xuất xử lý kịp thời để ngăn ngừa, hạn chế những tác động tiêu cực đối với xã hội.

Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có bước phát triển mạnh mẽ, nổi bật là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hộ tịch. Năm 2020 đã có gần 2 triệu trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân trên môi trường điện tử, tăng 1,4 lần so với năm 2019 và chiếm khoảng 40% tổng số từ năm 2016 đến nay.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao ngành Tư pháp và các bộ ngành, địa phương đã đạt nhiều kết quả trong hoàn thiện hệ thống pháp luật và triển khai pháp luật thời gian qua.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu cần phát huy vai trò quan trọng của Bộ, ngành Tư pháp trong việc tham mưu xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm hệ thống pháp luật Việt Nam đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, hiện đại, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, có sức cạnh tranh quốc tế. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, thuận tiện, tin cậy cho người dân, doanh nghiệp.

Thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi số ngành Tư pháp giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030. Chủ động phòng ngừa và tăng cường năng lực giải quyết tranh chấp, khiếu kiện trong hoạt động đầu tư quốc tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hợp tác với nước ngoài.

Kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế; chú trọng luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành.

Tập trung quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng khóa XIII, các Kết luận mới đây của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời phát hiện, xử lý những quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, bồi thường nhà nước, nuôi con nuôi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *