Phát huy “văn hóa đọc” trong cộng đồng

Đơn vị Phòng Giáo dục TP. Cà Mau đang luyện tập xếp sách nghệ thuật, một biểu hiện tốt góp phần định hướng các phong cách trưng bày, triển lãm sách báo hiệu quả, ấn tượng thu hút người đọc, hướng đến đọc sách có văn hóa.

Anh Lý Hoàng Vũ, Giám đốc Thư viện tỉnh: “Những năm gần đây, các hoạt động khơi gợi niềm yêu thích đọc sách trong người dân được các ngành quan tâm. Riêng đối với Thư viện tỉnh, trong Quý I/2016, đã tổ chức phục vụ các em học sinh trong Câu lạc bộ “Em yêu sử Việt” của Trường THPT Cà Mau tham quan, học tập; tiếp tục thực hiện Chương trình phối hợp với các trường tiểu học trên địa bàn thành phố tổ chức hoạt động học ngoại khóa cho các em học sinh tại Thư viện và Bảo tàng, với hơn 1.800 em học sinh tham gia; phục vụ sách, báo lưu động cho học sinh tiểu học”. Chị Nguyễn Kim Diệu, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh: “Lựa chọn sách phù hợp là yếu tố quan trọng để hình thành văn hóa đọc. Chúng tôi hiểu và chuyển tải đến các em các đầu sách có nội dung phù hợp với lứa tuổi, trực quan giáo dục nhận thức cho các em về cuộc sống hiện đại, đạo đức, nhân cách con người thông qua các nhân vật được hình tượng hóa đáng yêu, cốt truyện hấp dẫn”.

Các em học sinh trong Câu lạc bộ “Em yêu sử Việt” của Trường THPT Cà Mau đọc sách tại Thư viện tỉnh ngoài giờ học, giúp các em cập nhật kiến thức, làm phong phú tư duy.

Văn hóa đọc cần được rèn luyện trên nền nếp đọc sách có văn hóa trong cộng đồng.

Ba tháng đầu năm, Thư viện tỉnh hỗ trợ luân chuyển được 17.791 quyển sách, báo các loại cho các thư viện huyện và phòng đọc tủ sách cơ sở; theo hướng chú trọng tăng cường luân chuyển sách ở tủ sách tại các xã nông thôn mới và bưu điện văn hóa xã.

Sách, báo điện tử với ưu điểm nhanh nhạy, đa dạng thông tin. Hệ thống cơ sở phòng đọc cần được đầu tư tạo không gian tốt nhất phục vụ bạn đọc. (Ảnh chụp tại phòng đọc sách, phòng Internet, Thư viện tỉnh).

“Ngày hội sách” của các em học sinh Trường Tiểu học An Xuyên, TP. Cà Mau.

Văn hóa đọc còn biểu hiện ở cách đọc sách có văn hóa của cộng đồng. Đọc đúng nơi, đúng lúc để tìm kiếm tri thức, cập nhật thông tin, là chìa khóa để người dân xây dựng những định hướng làm việc, hướng phấn đấu phù hợp cho bản thân. Theo anh Trần Trọng Đà, giáo viên Trường THPT Khánh Lâm (xã Khánh Lâm, huyện U Minh): “Đọc sách phải đi kèm với bảo quản, giữ gìn sách, nâng niu như một kho tàng vô giá của bản thân”…

Ngày Sách Việt Nam lần thứ 3, năm 2016 có chủ đề “Sách – chìa khóa thành công”. Để hưởng ứng, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp một số đơn vị tổ chức chuỗi hoạt động trên địa bàn tỉnh; diễn ra trong 3 ngày (21-23/4), tại Trung tâm Văn hóa Hùng Vương. Các hoạt động chính, gồm: Trưng bày, triển lãm sách; đêm giao lưu, giới thiệu sách; hội thi xếp sách nghệ thuật… Qua đó nhằm góp phần khuyến khích và tôn vinh văn hóa đọc trên địa bàn, xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, khẳng định tầm quan trọng của sách; đẩy mạnh các hoạt động sưu tầm và trưng bày sách; khuyến khích các cơ quan chuyên ngành tham gia vào hoạt động viết sách, in ấn và xuất bản.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *