Phòng chống bạo lực gia đình – chìa khóa để xây dựng hạnh phúc

Theo số liệu thống kê, năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 165 vụ bạo lực gia đình và 6 tháng đầu năm 2018 đã có 18 vụ xâm hại trẻ em gái. Chắc chắn, đây là những số liệu còn khiêm tốn so với thực tế, bởi hầu hết các nạn nhân e ngại “vạch áo cho người xem lưng”, không tố cáo.

Trên địa bàn xã Nguyễn Phích (huyện U Minh), chỉ trong 6 tháng, xảy ra 6 vụ bạo hành gia đình và một vụ xâm hại trẻ em. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể xuất phát từ ghen tuông, không việc làm ổn định, lạc hậu trong suy nghĩ, rượu chè, cờ bạc… Một thực tế đáng phải suy ngẫm là hầu hết các nạn nhân của bạo lực gia đình đều có tâm lý cam chịu, không muốn trình báo với chính quyền địa phương. Trong suy nghĩ của những nạn nhân, đây là vấn đề tế nhị, chuyện của gia đình, không muốn cho người ngoài biết. Đôi khi chia sẻ với người khác, tình trạng bạo hành còn tàn nhẫn hơn, nên họ chọn phương án im lặng chịu đựng.

Mỗi tiểu phẩm mang đến cho người xem thông điệp khác nhau, để mọi người cùng lắng lòng trong cách ứng xử, nhằm bảo vệ hạnh phúc gia đình của chính mình.

Do vậy, hầu hết các vụ mâu thuẫn thường đi đến đỉnh điểm, gây nguy hại nghiêm trọng thì cơ quan chức năng mới hay tin, vào cuộc xử lý. Như mới đây là vụ đánh ghen tại xã Đông Hưng (huyện Cái Nước), nạn nhân thuộc xã Nguyễn Phích (huyện U Minh).

Để từng bước ngăn chặn và giảm thiểu các vụ bạo lực gia đình trên địa bàn, nhất là ở các xã vùng xa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau đã phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức nhiều chương trình về công tác gia đình tại các huyện, gắn với phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”. Mới đây, hai sở trên cũng đã phối hợp tổ chức thành công Hội thi Tìm hiểu về Luật Trẻ em và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, ở huyện U Minh. 8 đội thi, mỗi đội gửi đến khán giả và ban giám khảo một tiểu phẩm để giới thiệu về đội, mỗi tiểu phẩm truyền tải một thông điệp về phòng chống bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em.

Qua Hội thi sẽ trau dồi thêm cho mỗi cá nhân kinh nghiệm để làm tốt hơn vai trò ở cơ sở, góp phần làm giảm tình trạng bạo lực gia đình.

Bạo lực gia đình có “muôn hình vạn trạng”. Ở hình thức nào thì các cá nhân trong gia đình đều bị tổn thương. Trong tiểu phẩm “Bên bờ vực thẳm” của đơn vị xã Khánh An, thể hiện sâu sắc hình ảnh người phụ nữ không còn cam chịu mà đứng lên làm kinh tế, làm chủ gia đình. Nhưng sự cứng rắn, quyết đoán của nhân vật trong tiểu phẩm vô tình đã đưa gia đình đến bờ vực của sự tan vỡ. Lo kiếm tiền, chị phải xã giao với đủ loại người, vai trò người phụ nữ trong gia đình chị đã quên mất. Có tiền, chị xem chồng chẳng ra gì, không nuôi dạy con cái, chỉ biết vung tiền cho con tiêu xài…

Thông qua Hội thi, điều lắng đọng lại trong lòng của khán giả, thí sinh không phải là đơn vị nào được giải, được phần thưởng cao, mà là sự cảm nhận thông qua mỗi phần thi để biết cách vun vén cho hài hòa trong xây dựng hạnh phúc gia đình, làm sao tuyên truyền “gỡ rối” cho người dân, khi họ trong hoàn cảnh bị bạo hành.

Trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ, nâng niu.

Chị Lê Thu Thủy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Ấp 8 (xã Khánh Tiến, huyện U Minh), chia sẻ: “Hội thi mang ý nghĩa hết sức sâu sắc, vì bạo hành gia đình, bạo hành trẻ em vùng nông thôn vẫn còn rất nhiều. Vì hiểu biết, kiến thức của một bộ phận người dân chưa sâu, nên tác động đến nhiều vấn đề. Thông qua Hội thi, giúp cho mọi người hiểu về Luật Trẻ em; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, để có thể thay đổi hành vi”.

Ông Nguyễn Khánh Hồng, Trưởng phòng Văn hóa, Văn nghệ- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết: “Thông qua các chương trình nhằm xây dựng mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên, tình nguyện viên phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở. Đồng thời, giúp hội viên của các cấp hội hiểu kỹ hơn về các chính sách, pháp luật về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Nắm kỹ hơn để tư vấn phòng chống bạo lực gia đình, khuyến khích nhân dân chấp hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình”.

Từ đó, xây dựng nhiều câu lạc bộ, “địa chỉ tin cậy” cho phụ nữ. Xã Khánh Lâm (huyện U Minh), thời gian qua đã duy trì được 14 câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, 16 địa chỉ tin cậy. Thông qua các mô hình đã góp phần thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của người dân về tác hại của bạo lực gia đình và hình thành ý thức phòng chống bạo lực, cung cấp cho nhân dân kiến thức thi đua xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự tiến bộ và bình đẳng.

Thiết nghĩ, để ngăn chặn bạo lực gia đình là phải làm thay đổi nhận thức của mọi người, nhất là nam giới – phải hiểu rõ về bình đẳng giới. Ngoài ra, cần sự vào cuộc của cả hệ thống, làm tốt công tác hòa giải, tuyên truyền cho phụ nữ hiểu được tầm quan trọng của việc lên tiếng tố cáo bảo vệ tính mạng, tinh thần của chính mình và hơn hết là phải lấy phòng ngừa làm trọng tâm. Có như thế mới mong giảm được tình trạng bạo hành trong gia đình.

Tại Điều 42, Chương V của Luật Phòng chống bạo lực gia đình, nêu rõ về cách xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Đối với cán bộ công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính, thì bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *