Phú Hưng nhiều mô hình độc đáo đảm bảo an ninh trật tự

Xã Phú Hưng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 8/2015. Việc tiếp tục giữ vững và nâng chất các tiêu chí là điều không đơn giản, nhất là tiêu chí về ANTT. Ông Hà Ngọc Sáu, Chủ tịch UBND xã, khẳng định: “Trong công tác đảm bảo ANTT thì ý thức trách nhiệm của người dân là cốt lõi. Thế nên, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xây dựng, thực hiện hiệu quả nhiều mô hình quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhằm làm chuyển biến rõ nét tình hình ANTT”.

Người dân Phú Hưng càng an tâm hơn khi trong tay có thêm kẻng an ninh, dụng cụ hỗ trợ đắc lực khi có sự cố xảy ra, để tập hợp nhanh chóng mọi người xung quanh.

AI CŨNG BIẾT… CÔNG AN XÃ

Phú Hưng đã nhân rộng các mô hình tự phòng, tự quản, với 95 tổ nhân dân tự quản gồm 190 thành viên; 15 cổng an toàn về ANTT, “Tiếng loa an ninh”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Ánh sáng an ninh”… nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân địa phương, góp phần làm hạn chế tội phạm và từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội. Ông Huỳnh Văn Sơn, Tổ trưởng Tổ Nhân dân tự quản ấp Đức An, phấn khởi: “Trước đây bà con cứ nơm nớp lo sợ trộm cắp, giờ có cổng ANTT, “ánh sáng ANTT”, thành viên của tổ tự quản đồng lòng cảnh giác, xóm làng yên ổn. Mới đây, chúng tôi còn được cấp thêm kẻng an ninh, được hướng dẫn cách sử dụng, nên ai nấy đều an tâm. Qua thực tế khi có sự cố xảy ra, ai cũng bối rối, có khi la lên không nổi, cái kẻng này sẽ giúp bà con nhận biết nhanh và có mặt kịp lúc”.

Thường xuyên gần gũi, gắn bó với quần chúng nhân dân thông qua diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”, Công an xã kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư của bà con. Vì thế, năm qua, trên 4.000 danh thiếp có tên, số điện thoại của một số công an xã được dán tận nhà dân. Thượng úy Hồ Tấn Nguyên, Trưởng Công an xã: “Do địa bàn rộng, dân cư thưa, đã qua nhiều vụ việc tiêu cực xảy ra, khi chúng tôi đến nơi thì không còn kịp thời, không đủ chứng cứ để xử lý nghiêm. Từ năm 2015, khi số điện thoại Công an xã được công khai, người người, nhà nhà đều nhiệt tình thông báo nhiều nguồn tin có lợi, giúp lực lượng xử lý hiệu quả, dứt điểm một số vụ việc nổi cộm. Có không ít vụ trộm cắp, đối tượng bị người dân hợp sức vây bắt và giao công an xử lý”.

Từ khi phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển mạnh mẽ thì tội phạm giảm dần qua từng năm. 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn xã xảy ra 17 vụ vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, chủ yếu là đánh bài, đá gà ăn tiền. Cùng với đó, Mặt trận và các hội, đoàn thể đã có nhiều sáng kiến, cách làm hay trong thực hiện mô hình tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Ông Mã Văn Hên, ấp Lộ Xe, bộc bạch: “Trở về địa phương sau khi chấp hành xong án tù, mang bao mặc cảm, tự ti, tôi định đi làm ăn xa, cũng nhờ cán bộ Hội Nông dân, Phụ nữ ấp đến nhà động viên, khiến tôi thay đổi ý định, cố gắng làm ăn. Vụ tôm này mới thả, thấy cũng hiệu quả lắm”.

Mô hình lưới an ninh trật tự đang được xã Phú Hưng thực hiện hiệu quả, góp phần mang lại bình yên vùng cho nông thôn.

GIĂNG LƯỚI BẮT TRỘM

Từ khi mô hình “Cổng rào ANTT” được xây dựng rộng khắp, tình trạng trộm cắp trên địa bàn xã Phú Hưng giảm hẳn. Các đối tượng xấu cũng ngán ngại, không dám manh động, bởi thực tế nếu có tẩu thoát thì tang vật, phương tiện không thể tẩu tán được. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tội phạm đã chuyển sang hoạt động đường sông, thường xuyên dùng phương tiện vỏ máy công suất lớn để thực hiện hành vi trộm cắp, khi phát hiện quần chúng nhân dân rất khó truy đuổi, nên bọn chúng hoạt động ngày càng liều lĩnh hơn.

Để kịp thời đấu tranh tấn công trấn áp loại tội phạm này, Công an xã đã nghiên cứu và triển khai thực hiện nhiều biện pháp: Trưng dụng 2 vỏ máy bắt trộm, giăng lưới cá trên sông tạo chướng ngại…, song đều không mang lại hiệu quả, nhất là ở địa bàn giáp ranh. Thượng úy Hồ Tấn Nguyên: “Trước áp lực ngày nào cũng xảy ra 1 – 2 vụ mất trộm trong dân, chúng tôi tham mưu với lãnh đạo xã và người dân cách giăng lưới… bắt trộm. Sau thời gian thí điểm tại 6 cây cầu ở ấp Rạch Muỗi, ấp Phú Thạnh; thấy được lợi ích của mô hình, người dân hăng hái tham gia thực hiện. Sắp tới chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình, đảm bảo khép kín địa bàn”.

“Lưới ANTT” được xem là mô hình có một không hai ở vùng sông nước hiện nay. Mô hình chủ yếu được thực hiện tại các điểm cầu nông thôn, dùng cây gỗ địa phương rào chắn 2 bên bờ sông dưới chân cầu, chỉ chừa lại duy nhất phần thông thuyền dành cho các phương tiện xuồng ghe qua lại, kết hợp dùng một miếng lưới có kích thước tương ứng độ thông thuyền, một phần được cố định với hành lang của chiếc cầu, phần còn lại được cố định với một đoạn sắt và cuộn lại treo trên cầu. Đồng thời, phân công một số hộ dân ở gần cầu bảo quản, thả lưới khi có đối tượng trộm cắp đường sông đột nhập vào địa bàn, không cho phương tiện của đối tượng trộm cắp vượt qua, để dễ dàng truy bắt. Ông Lý Trung Hậu, người dân ấp Phú Thạnh, chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi khi thực hiện mô hình lưới ANTT, vì thế sẵn sàng đóng góp ngày công lao động, cây gỗ địa phương và canh giữ lưới. Trước đây chưa có cổng rào đường sông, bọn trộm tự tung tự tác, có khi còn thách thức, đe dọa lại, hầu như ngày nào trong xóm cũng có người mất cá, mất chó, vỏ máy… Bây giờ có lưới rào, bà con yên tâm lắm, bọn trộm cắp sợ không đường tẩu thoát nên rút hết”.

Với tính khả thi trong bảo đảm ANTT vùng sông nước và chi phí chỉ vài trăm ngàn đồng, mô hình lưới ANTT đang được nhiều xã trên địa bàn huyện Cái Nước học tập, thực hiện. “Thời gian tới chúng tôi sẽ tiến hành gắn bảng, hoàn thiện quy chế hoạt động, hướng dẫn các địa phương nhân rộng mô hình, góp phần mang lại bình yên vùng nông thôn”, ông Đặng Xuân Hòa, Phó đội trưởng Đội Xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT (Công an huyện Cái Nước) cho biết..

Khơi dậy được sức mạnh của toàn dân và cả hệ thống chính trị đều xắn tay vào cuộc, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người dân trong từng xóm, ấp, góp phần kéo giảm các loại tội phạm, xã Phú Hưng được công nhận là điểm sáng trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” của huyện Cái Nước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *