Quyết tâm hoàn thành nhiều mục tiêu quan trọng trong chuyển đổi số

Việc tiếp cận chuyển đổi số sẽ là đòn bẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội trong thời gian tới.Việc tiếp cận chuyển đổi số sẽ là đòn bẩy phát triển bền vững kinh tế – xã hội trong thời gian tới.

“Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là văn bản vừa mang tính chiến lược, vừa mang tính kế hoạch hành động để các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp căn cứ vào đó triển khai chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan, đơn vị mình.

Theo Kế hoạch trên, mục tiêu chung được tỉnh đặt ra là quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

Đối với phát triển Chính quyền số, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đạt 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 80% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về KT-XH phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; các cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; từng bước hình thành cơ sở dữ liệu mở của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời phục vụ người dân và phát triển KT-XH; 50% hoạt động kiểm tra, đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Đối với phát triển kinh tế số, tỉnh đặt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu kinh tế số chiếm 10% GRDP; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. Đối với phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, phấn đấu đến năm 2025 hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình có nhu cầu, 100% cấp xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%.

Ngoài ra, kế hoạch cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2030, những con số này sẽ được tăng lên để khẳng định công nghệ số hay chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Để chuyển đổi số thành công, tất cả các cơ quan, sở, ban, ngành phải quyết tâm thay đổi từ quy trình làm việc đến mô hình hoạt động mới, để cung cấp dịch vụ mới hoặc cung cấp dịch vụ đã có theo cách mới.

Đến nay, toàn tỉnh đã đồng bộ hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), gồm: Các khối đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp. Các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh đã có mạng nội bộ và kết nối Internet băng thông rộng. Hầu hết cán bộ, công chức được cấp hộp thư điện tử công vụ phục vụ công việc chuyên môn. Duy trì tốt hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến. Việc sử dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử được lãnh đạo tỉnh quan tâm, thúc đẩy triển khai tại các cơ quan, đơn vị. Việc ứng dụng CNTT trong hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH. Đặc biệt, các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, giao thông… trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần hiện đại hóa công tác quản lý, đảm bảo được sự chính xác, kịp thời trong quá trình xử lý, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp ứng dụng CNTT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đang ngày một nhiều, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử.

8 ngành, lĩnh vực ưu tiên

Theo kế hoạch thực hiện Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, Cà Mau xác định có 8 ngành, lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số trước. Đây là những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày đến người dân, bao gồm: Y tế, giáo dục, tài chính – ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường. Với các lĩnh vực ưu tiên này, tỉnh xác định phải chú trọng tới triển khai các sáng kiến nhằm liên kết giữa các ngành, lĩnh vực để cung cấp một trải nghiệm mới hoàn toàn khác, mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Để hoàn thành những mục tiêu quan trọng được đặt ra, tỉnh xây dựng nhiều nhóm giải pháp. Đơn cử như trong lĩnh vực y tế, Cà Mau xác định sẽ tập trung vào các nhiệm vụ: Phát triển nền tảng hỗ trợ khám chữa bệnh (KCB) từ xa để hỗ trợ người dân được KCB từ xa, giúp giảm tải cho các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; 100% các cơ sở KCB có triển khai thực hiện KCB từ xa; thúc đẩy chuyển đổi số ngành Y tế. Xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số; ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở KCB, góp phần cải cách hành chính, giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng KCB; sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử, tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí, hình thành các bệnh viện thông minh; xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh dựa trên công nghệ số, tích hợp thông tin, dữ liệu, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục thời gian tới cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động giáo dục và đào tạo theo Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy – học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025”. Xây dựng, hoàn thiện và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; triển khai kết nối liên thông dữ liệu, tích hợp các hệ thống thông tin vào cơ sở dữ liệu ngành; triển khai giải pháp tuyển sinh trực tuyến đầu cấp học. Tăng cường ứng dụng CNTT trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy, học, thi và kiểm tra đánh giá, quản lý giáo dục, quản trị nhà trường; áp dụng dạy, học trực tuyến; phát triển kho học liệu số toàn ngành, ngân hàng câu hỏi trực tuyến dùng chung, kho bài giảng e-learning kết nối với Hệ tri thức Việt số hóa; xây dựng mô hình ứng dụng CNTT trong công tác điều hành quản lý, dạy và học; từng bước triển khai các giải pháp giáo dục thông minh tại các đơn vị có điều kiện nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Triển khai áp dụng mô hình giáo dục tích hợp khoa học – công nghệ – kỹ thuật – toán học và nghệ thuật, kinh doanh, doanh nghiệp, đào tạo tiếng Anh và kỹ năng sử dụng CNTT, bảo đảm an toàn thông tin tại các cấp học, theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thực hiện đào tạo, tập huấn hướng nghiệp để học sinh có các kỹ năng sẵn sàng cho môi trường số…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *