Sẽ có chính sách hỗ trợ phí vận hành thiết bị giám sát tàu cá

Đến thời điểm hiện tại, nhiều chủ phương tiện đã thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thiết bị mất kết nối trên biển, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Thời gian qua, Cà Mau đã tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho ngư dân về các vùng biển, vùng ranh giới, các nước giáp ranh, các quy định của pháp luật Việt Nam và của các nước bạn; khai thác phải có báo cáo, phải ghi nhật ký, tàu về phải cập cảng theo chỉ định… thì mới được xuất hàng đi châu Âu. Dù có nhiều khó khăn nhưng đến thời điểm hiện tại, cơ bản ngư dân hiểu về chủ trương và quy định, chấp hành khá tốt, từng bước giảm dần số tàu vi phạm vùng biển nước ngoài (VBNN).

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Châu Công Bằng: “Sự nỗ lực đó phải kể đến chương trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Đây là giải pháp rất hữu hiệu. Cà Mau là tỉnh đầu tiên đề xuất chỉ đạo xây dựng phần mềm giám sát tàu cá trong quá trình hoạt động trên  biển. Ngành chức năng sẽ có lộ trình nâng cấp dần theo hướng đánh bắt hiện đại, tuy nhiên vấn đề quan trọng là ngư dân phải tự nâng cao ý thức trong khai thác và tuân thủ quy định của pháp luật. Thời gian tới, Cà Mau quyết tâm, nỗ lực hơn nữa để thực hiện các giải pháp, cùng với cả nước tháo gỡ thẻ vàng. Tăng cường giám sát trên biển cho đến khi tàu vào bến trình các thủ tục và cập cảng giám sát sản lượng. Phương tiện nào chưa thực hiện tốt thì xử lý theo quy định”.

Khánh Hội (huyện U Minh) là xã đầu tiên hoàn thành thực hiện việc tuyên truyền cho ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ông Châu Minh Đảm, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Những năm trước, trên địa bàn xã có nhiều phương tiện vi phạm VBNN mà không kiểm soát được. Nguyên nhân là do chủ phương tiện thuê tài công lái tàu ra khơi đánh bắt. Có những trường hợp vì vô tình mà phương tiện qua khỏi ranh giới, bị nước bạn bắt giữ. Nhiều trường hợp chủ phương tiện vì không có tiền chuộc phải bỏ phương tiện, lâm cảnh nợ nần… Chính vì nhận thức được thiệt hại là rất lớn, nên khi có chủ trương của tỉnh về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, bà con ngư dân đồng tình rất cao”. Trên địa bàn xã có 13 phương tiện thuộc diện lắp đặt ở giai đoạn 1 và 147 phương tiện bắt buộc lắp đặt ở giai đoạn 2, đến nay đã thực hiện đạt 100%.

Các phương tiện đánh bắt dần tuân thủ quy định của EC là ra vào cập cảng, ghi chép sản phẩm khai thác, tuy nhiên vẫn chưa đồng loạt.

Để đạt được kết quả này, thực tế không hề dễ dàng. Bên cạnh những hộ nhất trí cao, vẫn còn một số hộ không đồng tình, vì không muốn bị “giám sát”; nhưng bằng mọi biện pháp, từ tuyên truyền, vận động, thuyết phục đến cả các biện pháp “cứng”, đã tạo được sự đồng thuận trong dân. Bà Dương Thị Thùy Ngân (Ấp 3) chia sẻ: “Tôi đã lắp thiết bị giám sát cho tàu. Tài sản của mình thì mình bảo vệ, một tháng tốn vài trăm ngàn, nhưng lợi ích đủ đường”.

Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình không chỉ nhằm phục vụ công tác quản lý, giám sát, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Cà Mau vi phạm VBNN để khai thác thủy sản, mà qua đó còn nhằm hỗ trợ các phương tiện phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển và thực hiện việc xác định nguồn gốc thủy sản.

Ông Châu Công Bằng nhấn mạnh: “Đối với những tàu đã lắp đặt rồi thì phải giữ vững, số lắp nhưng mất kết nối trên biển thì phải cải thiện ngay. Hiện lực lượng liên ngành của tỉnh phối hợp với ngành kiểm ngư Trung ương vào cuộc kiểm tra quyết liệt. Đảm bảo tất cả thiết bị được lắp đặt phải được kết nối với trung tâm. Nếu phương tiện nào cố tình vi phạm thì phải bị xử lý nghiêm”. Ông Bằng đồng thời thông tin, nhằm chia sẻ phần nào “áp lực” với chủ tàu về chi phí lắp đặt cũng như phí vệ tinh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND  tỉnh ban hành Nghị quyết để hỗ trợ về phí vận hành thiết bị giám sát cho tàu, dự kiến sẽ ban hành vào cuối năm nay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *