Số vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em có giảm nhưng không nhiều

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên có hội nghị toàn quốc về bảo vệ trẻ em, với sự tham gia của hơn 18.000 đại biểu các cấp, từ cơ sở đến Trung ương. Với trách nhiệm cao nhất đối với thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của đất nước, Hội nghị sẽ tập trung vào thực trạng công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em, phân tích nguyên nhân bất cập và đề ra giải pháp cụ thể. Trong đó, cần tập trung vào khâu tổ chức thực hiện, chú trọng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, hiệu lực hiệu quả công tác thực thi pháp luật.

Các địa phương đã thống kê được hiện nay có bao nhiêu trẻ em bị xâm hại? Bao nhiêu trẻ em bị bạo hành? Bao nhiêu trẻ em bị đuối nước? Bị tai nạn giao thông?… Đây là những vấn đề nhức nhối cần được theo dõi, kiểm tra thường xuyên.

Hội nghị lần này sẽ tạo động lực mới, để công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em được thực hiện quyết liệt hơn thời gian tới, để trẻ em có niềm hạnh phúc, tương lai của gia đình được chăm sóc bảo vệ tốt nhất”.

Việt Nam xếp thứ 49/75 quốc gia trên thế giới và khu vực được khảo sát, về mức độ trẻ em bị xâm hại. Mỗi năm trung bình Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được giải quyết, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%.

Những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, bị xử lý, cho nên con số nói trên mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Ba năm gần đây, số lượng vụ việc bạo lực xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý ở Việt Nam có giảm nhưng tỷ lệ giảm không nhiều, tính chất vụ việc ngày càng nghiêm trọng phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan báo chí tăng cường các giải pháp, truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực xâm hại trẻ em.

Tại nhiều địa phương, 100% trẻ em bị bạo lực, xâm hại được hỗ trợ, can thiệp cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trợ giúp xã hội, hỗ trợ giáo dục, đào tạo, tư vấn điều trị tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác.

Bộ Công an cũng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đấu tranh, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm với loại tội phạm liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Các địa phương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định, chính sách về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và vận hành hệ thống bảo vệ trẻ em phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Tăng cường thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và tố tụng hình sự đối với các hành vi vi phạm quyền trẻ em, kiên quyết xử lý ở mức cao nhất của khung xử phạt vi phạm hành chính và hình sự đối với hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; củng cố và nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức làm công tác trẻ em các cấp. Đảm bảo có người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã; nâng cao chất lượng hoạt động của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để kịp thời nhận thông tin, thông báo, bảo mật thông tin và phối hợp triển khai các biện pháp kết nối hỗ trợ kịp thời cho các em; thúc đẩy phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục trẻ em” đến từng địa bàn dân cư để tạo hiệu ứng xã hội trong việc lên tiếng phê phán, tố cáo các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục…

Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình bạo lực xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa bàn khác nhau, gây bức xúc cho xã hội. Đây vừa là nguyên nhân, vừa là tồn tại, do nhận thức của bộ phận người dân chưa đầy đủ về việc giáo dục kiến thức, kỹ năng sống cho trẻ em. Thời gian tới, các cấp cần ưu tiên tăng cường trang bị kiến thức, kỹ năng cho các thành viên trong gia đình, cho trẻ em trong việc bảo vệ, phòng ngừa, xử lý các hành vi bạo lực và xâm hại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *