Sống mãi ký ức hào hùng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng các cựu thanh niên xung phong có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước: “Cựu thanh niên xung phong tuổi cao gương sáng và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Gần 41 năm sống trong hòa bình, tuy tuổi đã cao, mái tóc đã bạc, song những kỷ niệm về những ngày tham gia kháng chiến cứu nước vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức người lính năm xưa – ông Lê Văn Nhuận (Sáu Đồn), thương binh 2/4, ở Ấp 9, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Với lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc, ông Nhuận tham gia cách mạng từ độ tuổi đôi mươi, làm du kích ấp. Từ năm 1959 – 1966 là giai đoạn ghi lại nhiều dấu ấn trong cuộc đời tham gia kháng chiến của ông. Năm 1959, ông cùng đồng đội phá tan tổng cộng 12 đồn lớn của địch. Giai đoạn 1960 -1966, từ vai trò Xã Đội phó, lên Xã Đội trưởng Tân Lộc, ông trực tiếp tham gia nhiều trận đánh đồn bốt của địch, 4 lần bị thương và 7 vết thương còn hằn lại trên cơ thể ông. Ông kể: “Hãnh diện và đáng nhớ nhất là trận đánh vào tháng 11/1964, Chi khu Cà Mau cho quân tái chiếm đồn Năm Khá, bọn này gian ác khét tiếng. Du kích xã Tân Lộc tiếp tục lập phương án dẫn địch ra khỏi đồn để đánh, lực lượng ta treo băng, cờ trên ngọn dừa thật cao để địch nhìn thấy, dưới gốc dừa dán áp phích và truyền đơn. Lúc ấy, tôi trực tiếp chỉ huy đơn vị du kích xã phục kích và gài các loại trái nổ tại điểm này, khi địch càn xuống để tháo băng, cờ thì ta cho nổ súng. Đúng như dự định, địch lọt vào vòng phục kích của ta, du kích ấp đồng loạt nổ súng, diệt gọn một tiểu đội của địch, thu 7 súng, rút quân an toàn. Năm ấy, tôi được anh Hai Phước, Bí thư Huyện ủy Thới Bình, đặt cho biệt danh Sáu Đồn.

Ông Lê Văn Nhuận với quyển sổ tay ghi chiến tích của mình. Với ông, đây là kỷ vật quý giá.

Với tài trí, ông Nhuận tiếp tục được phân công đi điều nghiên Đồn Phòng vệ Cầu số 3 và phối hợp với Tiểu đoàn U Minh 2 đánh tan đồn này, diệt gọn địch, thu 12 súng, vào ngày 17/6/1969. Sáng hôm sau, địch quay lại đánh trả, ông Nhuận cùng trên 10 đồng đội bị bắt đưa ra Cà Mau giam khoảng 3 tháng, rồi đày ông ra Côn Đảo. Những ngày tháng trong tù, ông bị đánh đập, tra tấn dã man, song tình yêu quê hương, lòng căm thù giặc không làm ông và đồng đội lung lay ý chí. Ông Nhuận nhớ lại: “Bị địch bắt, chúng tôi tiếp tục đấu tranh trong tù. Nhớ có lần tôi cùng nhiều anh em trong tù tuyệt thực 19 ngày, mặc dù đói khát, anh em vẫn kéo nhau biểu tình, đã bẻ gãy kế hoạch tuyên truyền, hủy diệt cuộc đời cách mạng của anh em trong tù, lôi kéo anh em làm tay sai cho chúng. Khoảng hơn 11 giờ trưa 30/4/1975, tôi cùng đồng đội nghe tin quân ta đã tiến được vào Dinh Độc lập, mọi người vô cùng phấn khởi, hò reo. Anh em lấy lá cờ đỏ sao vàng hoặc những mảnh vải, tấm giấy có màu đỏ buộc lên người, cầm trên tay chạy ra đường mừng chiến thắng”.

Cựu chiến binh xã An Xuyên (TP. Cà Mau) ôn lại chiến thắng hào hùng của quân và dân địa phương năm 1953, tại Bia kỷ niệm Chiến thắng Bàu Thúi.

41 năm đã trôi qua, song mỗi lần nhắc tới những kỷ niệm hào hùng của thời kỳ lịch sử, trên gương mặt của người lính già vẫn không giấu được xúc động. Những kỷ niệm về tình đồng đội, tình quân dân những ngày chiến đấu ác liệt, ông Nhuận luôn nhớ mãi, nhớ những nắm xôi, cái bánh thắm tình quân, dân… Thống nhất đất nước, ông về lại quê hương, nhưng ảnh hưởng của những trận tra tấn tàn ác của giặc đã khiến ông không thể đi được. Sau thời gian điều trị lành bệnh, ông về xã Tân Lộc sum họp với gia đình, Ban Tổ chức Huyện ủy Thới Bình phân công ông đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch xã Tân Lộc từ năm 1977 – 1978, đầu năm 1979 là Trạm trưởng Trạm Máy kéo huyện Thới Bình, cuối năm ấy thì nghỉ hưu.

Bao năm kháng chiến qua đi, ông Sáu Đồn năm nay đã hơn 55 tuổi Đảng và 83 tuổi đời, nhưng ông vẫn không bao giờ quên kỷ niệm chiến trường xưa và giây phút lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nay, do tuổi già sức yếu, không đi lại được xa, thỉnh thoảng ông lật từng trang sổ tay ghi chiến tích, những tấm giấy khen theo ông suốt hành trình đánh Pháp, đuổi Mỹ, với ông đó là những kỷ vật quý giá. Với những đóng góp, ông Nhuận được Đảng và Nhà nước tặng phần thưởng huân chương cao quý:Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.

Đại tá Nguyễn Văn Phép, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh: “Đại thắng Mùa Xuân 1975 sẽ mãi mãi in sâu trong ký ức, như minh chứng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân đội và nhân dân Việt Nam. 41 năm đất nước thống nhất vẹn toàn, những người lính năm xưa, nay tóc đã bạc trắng. Họ đã cống hiến tuổi thanh xuân cho chiến trường, cho sự nghiệp chiến đấu giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Anh Lê Văn Nhuận (Sáu Đồn) là một trong những trường hợp ấy. Thật tự hào khi trên 30 ngàn hội viên cựu chiến binh trong tỉnh đã được trui rèn thử thách qua các cuộc đấu tranh đánh đuổi quân xâm lược. Cuộc đời họ gắn liền với từng trang sử cách mạng oai hùng. Và khi trở lại với cuộc sống đời thường, họ càng thấy quý những năm tháng độc lập tự do, tiếp tục phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ, ra sức thi đua lao động sản xuất; động viên con cháu đoàn kết, đóng góp xây dựng quê hương ngày một ấm no. Các đồng chí thực sự là những tấm gương tiêu biểu từ trong chiến tranh đến cuộc sống đời thường”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *