Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu việc hỗ trợ phải đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách, tham nhũng, tiêu cực…

Địa phương, đơn vị nào để xảy ra sai sót, tiêu cực, chậm trễ trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và hạn hán, thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Ngoài nguồn ngân sách, Cà Mau kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay, góp sức giúp người dân gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và hạn, mặn. Ảnh: Nhiều cá nhân chở gạo đến ủng hộ, chia sẻ với bà con nghèo, tại cây “gạo ATM” Phường 8, TP. Cà Mau.

Ngày 9/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Được biết, việc thực hiện Nghị quyết đã được Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương tham mưu. Sở này cũng đã công bố đường dây nóng hỗ trợ hướng dẫn, giải đáp các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Trước đó, Tỉnh ủy Cà Mau có công văn chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 và hạn hán trên địa bàn, trong đó nêu rõ, địa phương, đơn vị nào để xảy ra sai sót, tiêu cực, chậm trễ trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và hạn hán thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh.

6 đối tượng được nhận tiền mặt theo Nghị quyết 42 của Chính phủ:

1. Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1/4/2020 và không quá 3 tháng.

2. Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/4/2020 được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng.

3. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6/2020.

4. Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả một lần.

5. Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả một lần.

6. Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019 được hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả một lần.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *