Thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2014: Mừng, lo đan xen

NHỮNG ĐIỂM MỚI

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, thí sinh sẽ thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn, so với những năm trước, môn thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Môn thi tự chọn, đối với thí sinh khối THPT được chọn 2 trong 6 môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, ngoại ngữ; đối với thí sinh khối Bổ túc chọn 2 trong 5 môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử. Điểm mới đáng chú ý là thời gian thi của hai môn Ngữ văn và Toán chỉ còn 120 phút/môn, thay vì 150 phút/môn như năm trước. Việc điều chỉnh này, theo lý giải của các thành viên ban soạn thảo là nhằm giảm áp lực cho thí sinh và bớt tốn kém theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Điểm mới nữa là quy định thành lập tại mỗi trường phổ thông một hội đồng coi thi. Như vậy, thí sinh của mỗi hội đồng coi thi phải cùng một trường, thay cho quy định trước đây là có thể gồm học sinh của nhiều trường. Đề thi Ngữ văn và ngoại ngữ năm nay cũng có chút thay đổi: Đối với môn Ngữ văn có 2 phần (đọc hiểu và làm văn), so với trước không có phần đọc hiểu; đối với ngoại ngữ cũng có 2 phần thi (viết và trắc nghiệm), so với trước 100% trắc nghiệm, thí sinh làm bài phần trắc nghiệm trước, hết thời gian làm bài phần trắc nghiệm thì nộp cho giám thị sau đó mới làm bài phần viết. Về phần tính điểm xét tốt nghiệp năm nay theo hướng kết hợp điểm thi và điểm trung bình cả năm lớp 12, trong công thức tính điểm, hai thành tố này có cùng trọng số như nhau (50%), so với trước, điểm trung bình cả năm lớp 12 không tham gia vào việc xét điểm thi tốt nghiệp. Mức điểm liệt là 1,0 điểm trở xuống, thay vì 0 điểm như mọi năm…

Trước những điểm mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014; tuần qua, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT của tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải làm Trưởng ban, đã có cuộc họp nhằm nắm tình hình chuẩn bị cho công tác thi tốt nghiệp, cũng như công tác ôn thi tốt nghiệp tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo từ Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau, năm 2014, Cà Mau có 6.716 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và 880 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên. Đồng thời, Sở đã tiến hành rà soát điểm trung bình cả năm của tất cả các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên trong tỉnh. Kết quả có 86/6.716 thí sinh khối THPT có điểm trung bình cả năm dưới 5,0 và 88/880 thí sinh khối giáo dục thường xuyên có điểm trung bình cả năm dưới 5,0. Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh cũng đã cho biết, nhiều mặt công tác khác: Việc xây dựng hội đồng thi (toàn tỉnh có 30 hội đồng thi), công tác coi thi, vận chuyển bài thi, bố trí nơi ăn nghỉ… nhằm chuẩn bị cho kỳ thi dần di vào nền nếp.

Tuần qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh Nguyễn Tiến Hải chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh, nhằm nắm tình hình chuẩn bị cho công tác thi tốt nghiệp, cũng như công tác ôn thi tốt nghiệp tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh.

NIỀM VUI, NỖI LO TRONG THẦY VÀ TRÒ

Là trường THPT có “đầu vào” thấp, thầy Nguyễn Hoàng Thạch, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thái Thanh Hòa (huyện Đầm Dơi), nhận định: Quyết định của Bộ là hợp lý, góp phần giảm tải căng thẳng cho kỳ thi. Học sinh cũng sẽ bớt áp lực trong việc ôn thi và phần nào phát huy được năng lực, sở trường của mình. Như vậy, việc ôn tập của học sinh cũng hiệu quả hơn, bởi chắc chắn các em sẽ chọn môn thi tốt nghiệp theo khối thi đại học. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất băn khoăn bởi việc cho phép học sinh được tự chọn môn thi sẽ dẫn đến tình trạng có môn sẽ rất đông học sinh đăng ký, có môn lại ít, điển hình như môn ngoại ngữ, trường chỉ có 3/220 thí sinh đăng ký thi, phần nào gây khó trong công tác ôn thi và bố trí hội đồng thi.

Cô Lê Hồng Tém, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THPT Thái Thanh Hòa, cho biết: “Việc thay đổi cấu trúc đề thi môn Ngữ văn khá đột ngột, thời gian thực hiện nhanh, khiến nhiều giáo viên dạy Ngữ văn như chúng tôi không tránh được ngỡ ngàng, hoang mang, bởi ngay từ đầu năm học, chúng tôi đã định hướng ôn thi cho các em theo cấu trúc cũ. Tuy nhiên, thông qua các lớp tập huấn, chúng tôi dần tiếp cận hướng ôn thi mới. Đối với phần thi tự luận (7 điểm) thì đã quen thuộc với các em, riêng phần thi đọc hiểu (3 điểm) nằm bên ngoài sách giáo khoa, nhưng nội dung đề thi có thể liên quan đến một số vấn đề: Đặt nhan đề cho văn bản, nêu chủ đề, xác định biện pháp nghệ thuật, phát hiện và sửa lỗi chính tả, nêu quan điểm của bản thân về một vấn đề. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã cập nhật một số thông tin nóng, thời sự, một số văn bản, tác phẩm…, cho học sinh nêu suy nghĩ về vấn đề trên, sau đó gợi ý để các em có hướng giải quyết vấn đề. Hy vọng với phương thức ra đề mới này sẽ vừa sức và phát huy tốt khả năng nhận định vấn đề của mỗi thí sinh thông qua kết quả bài thi.

Em Phan Trúc Như, học sinh lớp 12C5, Trường THPT Thái Thanh Hòa, phấn khởi với việc được chọn môn thi. Vì theo em, được chọn môn thi theo sở trường cùng với việc tính điểm xét tốt nghiệp năm nay theo hướng kết hợp điểm thi và điểm trung bình cả năm lớp 12 sẽ giúp các em bớt lo lắng và tự tin hơn ở kỳ thi này.

Những điều chỉnh trong cấu trúc đề thi, cách thức ra đề thi (kết hợp cả tự luận và trắc nghiệm, tăng cường câu hỏi mở…) được kỳ vọng sẽ tác động đến phương pháp dạy – học, tổ chức ôn tập tại các nhà trường. Với những điều chỉnh này, sẽ góp phần phát huy khả năng sáng tạo, lập luận chính kiến của bản thân, hạn chế tình trạng học tủ, học thuộc lòng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *