Thiêng liêng như tình đồng đội!

Đồng hành cùng với sự lớn lên của dân tộc trong chiến tranh vệ quốc và xây dựng đất nước thời bình là Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng – những người lính chủ chốt chiến đấu, chiến thắng, giữ vững nền hòa bình cho dân tộc. Điều kiêu hãnh, tự hào nhất của dân tộc Việt Nam là đã chiến đấu, chiến thắng hai đế quốc xâm lược ở thế kỷ 20. Những người trực tiếp chiến đấu trên chiến trường đánh thắng giặc ngoại bang, không ai khác chính là Bộ đội Cụ Hồ – lực lượng chủ lực bảo vệ Tổ quốc trong mọi thời đại.

Trong gian khổ hy sinh, tình đồng đội càng thiêng liêng trong sáng vô ngần, đó là cái khác căn bản nhất của quân đội Việt Nam so với quân đội các nước khác trên thế giới.

Bộ đội Cụ Hồ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc.

Không thể nào quên anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, Bế Văn Đàn lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Phan Đình Giót lấy thân mình làm giá súng trong cuộc kháng Pháp ở vùng biên ải lòng chảo Điện Biên năm 1954. Các anh là biểu tượng đức hy sinh quên mình của toàn dân tộc, vì khát vọng độc lập tự do. Hành động ấy khác gì “tiếng thép” tuyên bố với quân thù rằng, người Việt Nam, Bộ đội Cụ Hồ quyết hy sinh để giải phóng đất nước. Sự hy sinh quên mình ấy cũng nói lên một điều rằng, khi Tổ quốc lâm nguy, thì cuộc đời người lính đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù, là nhằm thẳng quân thù mà bắn.

Trên thế giới chưa có dân tộc nào lại kiên cường anh dũng như dân tộc Việt Nam, chưa có người lính nào mà tình cảm thiêng liêng như Bộ đội Cụ Hồ. Khác với lính chiến của nhiều nước trên thế giới “chiến đấu thuê” (lính đánh thuê), bộ đội Việt Nam chiến đấu vì dân, vì Tổ quốc và sẵn sàng hy sinh quên mình vì dân tộc. Đó là lý tưởng, là mục tiêu chung, là sứ mệnh được kế tục từ truyền thống yêu nước, được trui rèn trong khói lửa chiến tranh, được bồi dưỡng lý tưởng trong thời bình, lặng im tiếng súng. Giữa mưa bom bão đạn, tình yêu Tổ quốc đã biến thành “sức mạnh thép” trong từng trái tim chiến sĩ. Giữa khốc liệt nhất của cuộc chiến, tình đồng đội trở nên thiêng liêng trong sáng vô ngần. Hàng vạn thanh niên đến từ nhiều miền quê khác nhau, nhưng khi đã khoác áo binh sĩ, chiến đấu cùng chung chiến hào, họ đã trở thành đồng đội chung thủy của nhau. Những binh nhất, binh nhì trở thành tri kỷ chỉ sau một đêm “rét chung chăn”. Những thế hệ người lính không phân biệt tuổi tác, cấp hàm, chỉ qua một trận chiến đấu đã coi nhau như anh em trong một gia đình. Tình cảm, sự trân trọng thiêng liêng ấy chỉ có ở những người lính Cụ Hồ.

Tình đồng đội thiêng liêng.

Không thể nào quên đức hy sinh của 64 cán bộ chiến sĩ Vùng 4 Hải quân ngoài rạn đá Gạc Ma trong sự kiện ngày 14/3/1988. Các anh đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ từng tấc đảo. Máu đào các anh hòa vào biển cả, xương cốt các anh nằm tận biển sâu, sóng đã hóa tên các anh thành liệt sĩ. Chẳng bao giờ quên 11 người lính khoác áo hải quân Nhà giàn DK1 để bảo vệ 15 “pháo đài thép” ngoài ngàn khơi Tổ quốc. Giữa bão tố cuồng phong của biển cả, Trung úy Nguyễn Hữu Quảng đã nhường mảnh áo phao và miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội, rồi để sóng cuốn đi; giữa sự sống và cái chết cận kề, Đại úy Vũ Quang Chương quấn cờ Tổ quốc, ngã vào lòng biển mẹ… Giữa giông tố của đại dương và khắc nghiệt của biển cả, những người lính trẻ nhường nhau từng ca nước ngọt, chia nhau từng nắm rau xanh… Tất cả nghĩa cử cao đẹp ấy, đều xuất phát từ tình yêu Tổ quốc. Và chỉ có tình đồng đội thiêng liêng mới có những hành động cao đẹp như thế.

Lịch sử là dòng chảy liên tục. Lịch sử là nơi lưu chép lại những quá khứ hào hùng, bi tráng và cả đau thương máu xương đã đổ. Dẫu lịch sử đã sang trang, đất nước đã hòa bình độc lập, nhưng người lính Cụ Hồ chưa bao giờ ngơi tay súng.

Niềm vui của chiến sĩ trẻ Sư đoàn Bộ binh 5, Quân khu 7.

Trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước phồn vinh, mạnh giàu hôm nay, trước âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch đang hòng lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam là một trọng điểm, trước diễn biến phức tạp tình hình trên Biển Đông,  gần đây là diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, người lính Cụ Hồ trên mọi miền Tổ quốc nhiệm vụ càng nặng nề, trọng trách.

Mang trái tim yêu Tổ quốc, những người lính Trường Sa, nhà giàn DK ngày đêm đối mặt với bão tố cuồng phong, chắc tay súng canh giữ biển trời thiêng liêng, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ đất nước. Để ngăn chặn những người nhập cư trái phép, hàng ngàn chiến sĩ biên phòng trắng đêm luồn rừng, xuyên núi, lội suối, vượt đèo; chân các anh toạc máu vì núi đá tai bèo, tóc các anh thêm bạc vì mưa rừng gió núi, bát cơm giữa mưa rừng chưa đủ no, chiếc áo bông giữa khe núi chưa đủ ấm, thế nhưng các anh vẫn kiên cường bám bản, dũng cảm chốt rừng, ngăn chặn dịch COVID-19 xâm nhập từ bên kia biên giới…

Qua “cuộc chiến thứ nhất chống giặc COVID-19”, có thể khẳng định rằng, trên khắp nẻo đường của Tổ quốc Việt Nam, ở đâu có nhân dân, ở đó có dấu chân bộ đội. Ở đâu có bộ đội, ở đó thắm tình quân dân. Càng những nơi khó khăn, gian khổ như biên cương, đảo xa, biển vắng, tình đồng chí, đồng đội càng bền vững, gắn kết, keo sơn.

Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ở giai đoạn mới này, Bộ đội Cụ Hồ là quân chủ lực bảo vệ Tổ quốc yên bình, tình đồng đội của người lính càng thiêng liêng chưa bao giờ vơi cạn. Thế hệ cha anh đã qua thời binh đao hoa lửa, thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay và mai sau sẽ mãi giữ vững phẩm chất cao quý danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ; sẽ mãi lưu giữ, kế truyền tình đồng đội thiêng liêng vốn có.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *