“Thư viện xanh” đưa học sinh đến với văn hóa đọc

Từ mô hình “Thư viện xanh”, các em học sinh có tiết học ngoài trời và các giờ đọc sách hoặc giờ ra chơi vô cùng lý thú, hào hứng.

Hiện nay, nhiều trường tiểu học đã xây dựng được “Thư viện xanh”. Đây chính là điểm nhấn trong chương trình “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ở tính hiệu quả, thiết thực, tạo cho học sinh sự hào hứng trong mỗi tiết học, trau dồi kỹ năng đọc, khả năng tư duy và thói quen đọc sách hằng ngày.

Đưa học sinh đến gần hơn với văn hóa đọc.

Thư viện của Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (Phường 8, TP. Cà Mau) đi vào hoạt động từ năm 2016. Đến nay đã thực sự phát huy hiệu quả, thu hút hàng trăm lượt học sinh đến đọc sách, là một trong những điểm sáng về mô hình “Thư viện xanh” trên địa bàn TP. Cà Mau. Với đầu sách báo đa dạng, phong phú, hoạt động theo xu hướng mở, lúc nào các em học sinh cũng có thể tìm sách, đọc sách và các loại tài liệu mà mình yêu thích tại “Thư viện xanh”. Ngay ở góc đọc, học sinh được cán bộ thư viện giúp rèn luyện kỹ năng đọc bằng cách giới thiệu sách, hướng dẫn cách chọn sách đọc. Em Đinh Thị Như Ngọc, học sinh lớp 5D, cho biết: “Khi được vào thư viện, chúng em cảm thấy rất vui, phấn khởi, ở đây chúng em được học hỏi, được đọc những cuốn sách, cuốn truyện hay và bổ ích”.

Không chỉ dừng lại ở hoạt động đọc sách, từ mô hình “Thư viện xanh”, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động: Thi kể chuyện theo sách, theo chủ đề; vẽ tranh về nhân vật qua các câu chuyện; viết tiếp lời kết cho câu chuyện theo suy nghĩ của mình… đã từng bước góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Cô Nguyễn Thị Nghĩa, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu: “Thời gian qua, Ban Giám hiệu nhà trường luôn quan tâm đầu tư cho mô hình “thư viện xanh”, các đầu sách, truyện luôn tăng lên. Qua đó đã góp phần giúp học sinh tiến bộ và mạnh dạn hơn, chất lượng học và giảng dạy được nâng lên rõ rệt. Đây là một trong những nhân tố góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh”.

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (Phường 8, TP. Cà Mau), nhiều đầu sách được đặt trên kệ sách từ mô hình “Thư viện xanh”.

“Thư viện xanh” của Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển (Phường 2, TP. Cà Mau) hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2016. Với không gian trang trí là những cuốn sách, truyện tranh được bỏ vào trong những ống nhựa, treo dọc theo hàng rào trong sân trường, đây chính là người bạn đồng hành cùng học sinh. Tất cả các hoạt động trong thư viện đều mang lại niềm vui, sự sáng tạo, nuôi dưỡng sự thân thiện giữa thầy và trò, giữa lớp với trường, giữa học sinh với sách vở. Đến đây, các em được tiếp thu những kiến thức mới, đặc biệt là vừa được học, được vui chơi, vừa được thư giãn ngay trong trường. Em Lâm Ngọc Phương Anh, học sinh lớp 4A, bày tỏ: “Đến với “Thư viện xanh”, em cảm thấy rất vui và hào hứng. Ở đây em được đọc, được vui chơi giải trí sau những giờ học căng thẳng, những kiến thức học được tại thư viện giúp ích cho em rất nhiều trong học tập”. Nói về hiệu quả của “Thư viện xanh”, thầy Trần Minh Dũng, Hiệu trưởng: “Đối với nhà trường, mô hình “Thư viện xanh” đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học cho giáo viên và học sinh, các em được tiếp cận với sách báo. Từ đó, tạo cho các em kỹ năng đọc, viết, nhất là tính tự lập được nâng lên rõ rệt”.

Thực tế cho thấy, mô hình “Thư viện xanh” ở các trường tiểu học đã góp phần đưa sách đến gần hơn với học sinh, tạo môi trường thân thiện, thu hút cán bộ, giáo viên và học sinh đến với văn hóa đọc, nâng cao chất lượng học tập và công tác giảng dạy trong các trường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *