Tín hiệu vui từ mô hình trồng màu

Bà con nông dân Ấp 4, xã Thới Bình, chăm sóc cây hoa màu.

Ông Lữ Thanh Hồng (Ấp 4, xã Trí Phải), có nhiều năm trồng màu, cho biết: “Chưa được 1 công, nhưng gia đình cũng có thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng/vụ. Nhờ vậy mà nhiều năm qua gia đình đã có của ăn của để, lo cho con cháu học hành. Hơn nữa, với nguồn thu từ hoa màu đã giúp cho người dân mua sắm tiện ghi trong gia đình được đầy đủ hơn. Trồng màu mùa nắng nóng, chi phí điện để tưới nước tăng cao, nhưng bù lại bán được giá cao, ít thiệt hại, lợi nhuận thu được cũng nhiều hơn”.

Phong trào thi đua lao động sản xuất do Hội Nông dân phát động đã thực sự đi vào đời sống của người dân nông thôn. Mô hình đa cây, đa con trên cùng một diện tích, được người dân hưởng ứng tích cực. Với hơn 230ha trồng màu, bà con nông dân khai thác, thu hoạch sau Tết Nguyên đán 2019 đạt năng suất từ 15 – 20 tấn/ha, bình quân thu nhập từ 40 – 50 triệu đồng/ha/vụ. Cá biệt có hộ trúng mùa, trúng giá, thu nhập từ 60 – 80 triệu đồng/ha/vụ. Tập trung chủ yếu ở các xã: Tân Phú, Trí Phải và xã Thới Bình.

Anh Nguyễn Văn Đẳng (Ấp 4, xã Thới Bình) nói: “Từ ngày cây mía rớt giá, mọi kỳ vọng của người dân không còn nữa. Nông dân nơi này đã chuyển sang trồng màu hoặc ban đắp nuôi tôm, trồng cây, con khác kiếm thêm thu nhập mùa nông nhàn. Bình quân mỗi vụ màu gia đình thu nhập hơn 15 triệu đồng/công. Có được kết quả này, cũng nhờ chính quyền địa phương quy hoạch ổn định, nên người trồng màu có thêm thu nhập, hiệu quả gấp 4 lần sản xuất độc canh một vụ lúa. Giá trị sản xuất và thu nhập của người dân nơi đây tăng lên hàng năm trên cùng đơn vị diện tích ngày càng nâng lên”.

Anh Võ Văn Đáng (Ấp 4, xã Thới Bình) phá bỏ hơn 4 công mía để trồng cà phổi.

Có được những thay đổi về năng suất, chất lượng hoa màu ở Thới Bình, đó là một bước tiến dài về công cuộc chuyển giao khoa học – kỹ thuật và quy hoạch vùng trồng màu của chính quyền các cấp, cùng với sự đồng tình hưởng ứng tích cực của người dân địa phương. Kết quả gieo trồng của người dân trong toàn huyện trong mùa trái vụ được hơn 100ha, đây là quyết tâm của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng đã được đầu tư cải tạo khá cơ bản, góp phần tạo thuận lợi cho việc tưới tiêu, tháo phèn rửa mặn và việc vận chuyển hàng hóa nông sản của bà con nơi đây được tốt hơn.

Kinh nghiệm nhiều năm, anh Trần Văn Dẹt, người trồng màu có thâm niên tại Ấp 1, xã Thới Bình, nói: “Hơn 6 năm học tập qua sách báo, tạp chí và được các kỹ sư chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng màu nên các loại cây trồng của gia đình cho năng suất cao, bán được giá, bình quân từ 20 – 30 tấn/ha. Chất lượng tốt nên thương lái tìm đến tận vườn để thu mua, không phải tốn công vận chuyển đi bán. Với 2ha đất trồng màu từ mô hình đa dạng hóa giống cây màu theo yêu cầu thị trường, theo mùa vụ, giúp gia đình có nguồn thu ổn định quanh năm, bình quân từ 100 – 150 triệu đồng/năm”.

Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình, cho biết: “Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, huyện đã đầu tư vốn, nhân rộng mô hình trồng màu. Bên cạnh đó, bà con cũng mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng mía kém hiệu quả sang trồng các loại màu: Củ cải, cà chua, dưa leo, bầu bí… Đồng thời, ngành chức năng huyện chủ động chuyển giao khoa học – kỹ thuật ngay tại ruộng, nên người dân áp dụng thực tiễn thực hiện đạt hiệu quả cao, tập trung nhiều tại các xã: Thới Bình, Trí Phải, Trí lực và xã Biển Bạch Đông.

Đến với đồng đất Thới Bình trong những ngày này, mới thấy sự tất bật trong lao động sản xuất của người dân, phong trào thi đua lao động sản xuất diễn ra sôi nổi, hứa hẹn những vụ mùa bội thu từ hoa màu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *