Tôm Cà Mau và thách thức từ EVFTA

Cơ hội mới

Đối với mặt hàng tôm xuất khẩu, theo cam kết, ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu tôm nguyên liệu sang EU sẽ về 0%. Riêng đối với sản phẩm tôm chế biến, sẽ điều chỉnh về 0% sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Chỉ tính riêng các quốc gia tham gia Hiệp định CPTPP và EVFTA chiếm 35,5% GDP toàn cầu. Bên cạnh những thách thức, các thị trường này mang đến những tiềm năng to lớn trong lĩnh vực thương mại. Các sản phẩm có thế mạnh: Nông, thủy sản được xóa bỏ thuế ngay khi các hiệp định có hiệu lực. Đây chính là cơ hội cho DN địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, là điều kiện để nâng tầm trình độ, tăng năng suất lao động, thực hiện các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, nhất là trong bối cảnh tỉnh Cà Mau đang thúc đẩy thực hiện các chương trình, dự án lớn về thu hút đầu tư, thương mại, khai thác các sản phẩm, dịch vụ có thế mạnh của địa phương, đặc biệt là ngành tôm.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp (iPEC) với vai trò là cầu nối, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư, hỗ trợ DN, iPEC luôn trong tâm thế sẵn sàng, chủ động để hỗ trợ DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh nắm được thông tin về cơ hội xuất khẩu vào thị trường EU, cũng như các thị trường khác thông qua Chương trình xúc tiến thương mại nước ngoài hàng năm được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Qua đó giúp DN chuẩn bị khai thác và tận dụng hiệu quả lợi ích mang lại từ Hiệp định, ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Ngoài ra, qua 1 năm thành lập và đi vào hoạt động, iPEC cũng đã phối hợp các đơn vị thực hiện các đoàn khảo sát, nghiên cứu thị trường EU để đánh giá, tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của thị trường, tận dụng hiệu quả nhất cơ hội của Hiệp định mang lại. iPEC luôn năng động trong việc hợp tác, kết nối vùng nhằm thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại, tăng cường hợp tác đầu tư, chia sẻ thông tin, hỗ trợ tiếp cận thị trường đối với các DN trong và ngoài nước.

Đối với mặt hàng tôm xuất khẩu, theo cam kết, ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu tôm nguyên liệu sang EU sẽ về 0%.

“Mặt khác, iPEC còn là đơn vị chủ trì và phối hợp với các tổ chức, đơn vị hỗ trợ nâng cao năng lực đối với DN. Phương hướng sắp tới, iPEC sẽ phối hợp các đơn vị liên quan phổ biến các cam kết của Việt Nam về các quy tắc xuất xứ, lao động, môi trường, vệ sinh dịch tễ; hỗ trợ đào tạo nhân lực, siết chặt quản lý gian lận xuất xứ, gian lận thương mại”, Giám đốc iPEC, ông Quách Văn Ấn cho biết.

Việc áp dụng, thực hiện Hiệp định EVFTA, theo ông Ấn thì các DN (đặc biệt là DN chế biến thủy sản xuất khẩu) trên địa bàn tỉnh cần tìm hiểu rõ hơn về thị trường EU; vì ngành tôm Việt Nam nói chung và tôm tỉnh Cà Mau nói riêng phải cạnh tranh với các nước: Ấn Độ, Ecuador… Hiện tại, Ấn Độ có xu hướng giảm xuất khẩu tôm vào thị trường EU do gặp phải một số khó khăn thì Ecuador ngày càng đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Ecuador có nhiều lợi thế hơn Việt Nam trong sản xuất tôm và hiện đang được hưởng ưu đãi thuế quan 0%; giảm từ 3,6% trước đó.

Đặc biệt, Cà Mau là nơi duy nhất ở Việt Nam sản xuất tôm sinh thái (chứng nhận Naturland). Diện tích rừng nhập mặn (RNM) Cà Mau chiếm 50% tổng diện tích RNM cả nước và 77% ĐBSCL. Diện tích RNM có thể kết hợp nuôi tôm là 88.000ha, sản lượng tôm rừng hàng năm bình quân trên 10.000 tấn/năm. Tôm sinh thái được chứng nhận theo tiêu chuẩn nội bộ dựa trên tiêu chuẩn Naturland của Đức và được cấp chứng nhận bởi IMO (Institute for Marketecology) Thụy Sĩ. Từ những năm 2002 đến nay, sản phẩm tôm sinh thái được thu mua, chế biến và xuất khẩu bởi Công ty Chế biến xuất khẩu thủy sản Cà Mau (Công ty CAMIMEX) với sản lượng hàng năm khoảng 350 đến 390 tấn, xuất sang Thụy Sĩ. Từ giữa năm 2008, Công ty Chế biến thủy sản Năm Căn (SEANAMICO) đã thiết kế và khởi động dự án tôm sinh thái với diện tích 2.456ha. Năm 2012, SEANAMICO cũng đã mua, chế biến và bán sản phẩm sang các thị trường quốc tế như châu Âu, Nhật Bản.

Thị trường này mang đến những tiềm năng to lớn trong lĩnh vực thương mại; các sản phẩm có thế mạnh như nông, thủy sản được xóa bỏ thuế ngay khi các hiệp định có hiệu lực.

Tận dụng tiềm năng

Có thể thấy, ngay từ trước khi Hiệp định được thông qua, các DN trong tỉnh đã tích cực và chủ động tiến vào thị trường EU. Do vậy, trong thời gian tới, để khai thác triệt để các cơ hội mà Hiệp định mang lại, các DN cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và cam kết của EU, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế; đánh giá, nghiên cứu toàn diện từ cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp: Nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất… Cần lưu ý, để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, DN cần đảm bảo về quy tắc xuất xứ và về tiêu chuẩn kỹ thuật của EU. DN cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.

Ngày 6/3, Chủ tịch UBND Cà Mau đã ký ban hành Kế hoạch số 33 về Hội nhập quốc tế tỉnh Cà Mau năm 2020; trong đó, giao các thành viên Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, TP. Cà Mau theo chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác hội nhập quốc tế của đơn vị. Dự kiến Quý III/2020, UBND tỉnh tổ chức một Hội nghị phổ biến và triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP, EVFTA về tình hình thương mại, tranh chấp thương mại… nhất là Hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực tháng 2/2020.

“Với iPEC, sẽ luôn trong tâm thế sẵn sàng thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực UBND tỉnh về tổ chức cũng như phối hợp sở, ngành và các đơn vị có liên quan trong việc phổ biến, thông tin kịp thời những quy định có liên đến Hiệp định EVFTA cho các DN trên địa bàn tỉnh biết để thực hiện”, ông Ấn nói.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *