Trạm Ra đa 600: “Mắt thần” canh giữ biển

Phải mất hơn 30 phút leo dốc, với độ cao 309m so với mặt nước biển, đoàn công tác mới lên tới đơn vị – đỉnh núi cao nhất của đảo Nam Du (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang). Những chiếc xe gắn máy của các cán bộ, chiến sĩ hôm nay dường như nặng hơn khi phải “oằn mình” mỗi khi vượt dốc. Cheo leo nơi đỉnh núi, thiếu thốn mọi thứ nhưng những cán bộ, chiến sĩ trên trạm luôn phấn đấu hoàn thành tốt công việc để đảm bảo bình yên cho người dân và giữ vững chủ quyền an ninh biên giới.

Thiếu thốn về nguồn nước sinh hoạt nhưng việc trồng rau nhằm cải thiện bửa ăn vẫn được đơn vị chú trọng.

Thần tượng hình ảnh người lính hải quân từ bé nên ước mơ của anh Bùi Văn Ba là thi vào Trường Lục quân nhưng 2 năm liên tục anh đều trượt. Không nhụt chí, chàng trai gốc Thanh Hóa chủ động xin nhập ngũ. Vào quân trại, ngày tập luyện trên thao trường, đêm chăm chỉ ôn bài. Kết thúc đợt nhập ngũ, chiến sĩ Ba đã thi đậu vào Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân. Qua 2 năm học tập, anh được điều về công tác tại Tiểu đoàn 551, Vùng V Hải quân. Lần đầu vào Nam công tác, hỏi anh có nhớ nhà không? Đại úy Bùi Văn Ba nhớ lại: “Buồn thì cũng có nhưng vì yêu biển nên nỗi nhớ cũng được vơi đi phần nào”.

Không chỉ công tác tại đơn vị, anh Ba còn tăng cường ở nhiều đơn vị khác: Thổ Chu, Hòn Chuối, hỗ trợ các trạm xây dựng trạm ra đa. Đến nhiều đơn vị nhưng có một nét chung đều là đảo. Anh Ba nói đùa: Biển không chỉ là nhà mà còn là hơi thở, vắng biển tôi không sống được. Công tác ở đảo, nhà ở Rạch Giá (Kiên Giang), quê ở Thanh Hóa, Đại úy Ba trở thành người “một kiểng ba quê”. Vì đặc thù công việc, khoảng 3 – 4 tháng anh mới được về thăm vợ con. Mọi công việc gia đình anh để lại trên đôi vai người vợ trẻ. Với khoảng cách trên 48 hải lý, hơn 3 giờ vượt biển, nỗi nhớ gia đình anh đành gửi vào từng con sóng nhỏ.

Dù nhiều khó khăn, vất vả nhưng cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bám biển, bám mục tiêu, giữ vững vùng trời, vùng biển.

Đôi mắt nhìn xa xăm, anh Ba bồi hồi: Vậy là tôi đã gắn bó với biển ngấp nghé hơn 25 năm. 25 năm, khoảng thời gian không dài nhưng cũng đủ để cho một con người nếm trải vị vui buồn của xa cách, của nhớ mong. Từ đó để làm động lực cống hiến hết mình cho công việc, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Không chỉ giữ bình yên cho vùng trời, biển mà còn giữ cả giấc ngủ bình yên cho những em thơ nơi đất liền”.

Đại úy Đinh Văn Phong, Trưởng trạm Ra đa, cho biết: “Các anh em trong đơn vị là cán bộ tăng cường nên yêu thương, gần gũi nhau, chia sẻ khó khăn trong công việc cũng như trong cuộc sống, cùng nhau xây dựng lực lượng, đoàn kết bảo vệ chủ quyền vùng biển Tây Nam và làm tốt công tác sẵn sàng chiến đấu”.

Trạm Ra đa 600 có nhiệm vụ quan sát màn hình quét ra đa 24/24 giờ để quan sát, quản lý mục tiêu, không để sót bất cứ mục tiêu lạ nào hoạt động trên vùng biển được phân công quản lý. Được lên tận đài quan sát, có một thành viên trong đoàn lên tiếng đùa với chỉ huy đơn vị: “Các em sướng nhỉ, “tóm” cả vùng biển vào mắt”. Vì tính chất công việc nên hầu hết các trạm ra đa đều đóng quân trên vị trí cao, thuận lợi cho việc quan sát nhưng khó khăn về các nhu yếu phẩm hằng ngày. Và khó khăn nhất là nước sinh hoạt. Đại úy Phong chia sẻ: “Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 3 là đơn vị hết nước sinh hoạt, đơn vị chỉ có bồn chứa khoảng 125m3 nước. Cứ vào cuối buổi trong ngày là anh em thay nhau xuống chân núi, nhà các hộ dân xin nước, với can đựng 30 lít, anh em thay nhau chở nước ngược lên đỉnh núi”.

Một góc đảo Nam Du.

Những tháng cao điểm của mùa khô, trời không mưa, các anh em phải tiết kiệm từng tí một, Đại úy Phong nói như đùa: Mùa nắng chỉ có rau luộc chứ không đủ rau nấu canh, vì không nước tưới, hoa màu không sống nổi. Để trồng được hoa màu, tăng gia chuẩn bị rau xanh cho đơn vị, cán bộ, chiến sĩ phải chắt lọc nguồn nước để tái sử dụng…

Ở đây, rau xanh rất hiếm nên cán bộ, chiến sĩ chắt chiu từng vuông đất, chậu cây để trồng, mỗi chậu nước được xoay vòng, rửa mặt, chân tay sau đó dùng để tưới. Mỗi luống cải xanh được cán bộ chiến sĩ nâng niu, dù thiếu nước nhưng những luống hoa màu luôn được ưu tiên chăm sóc.

Chỉ tay về phía hàng cây xanh rợp bóng, góp phần tạo cảnh quan và che bóng mát cho đơn vị, anh Ba mỉm cười: Khi còn là bí thư chi đoàn, tôi phát động anh em tìm kiếm cây xanh, cây ăn trái về trồng, mùa nắng cây úa lá, mưa xuống cây đâm chồi, tôi không nghĩ mình gắn bó nơi đây lâu đến vậy. Mỗi chuyến tàu chở du khách cập bến Nam Du, phóng tầm mắt ra xa, trước mắt là cuộc sống náo nhiệt của khu dân cư đông đúc, sau lưng là du lịch biển ồn ào, những ngày cuối tuần nhìn từng dòng người về đây du lịch, sao khỏi chạnh lòng. Là người công tác lâu năm ở trạm, tôi luôn động viên và làm gương cho anh em, nhất là chiến sĩ trẻ để mọi người yên tâm bám trạm, bám đài, quản lý thật tốt vùng biển được phân công”.

Biển là vậy, đang nắng lại đổ mưa, câu chuyện đời, chuyện nghề và chuyện về nghiệp giữ biển cuốn chúng tôi vào mạch kể mà quên cả mưa rơi đang ướt cả vai áo. Chia tay những người lính trên Trạm Ra đa 600, chúng tôi thật khâm phục tinh thần và ý chí vượt khó của các anh, ngày đêm thầm lặng bám biển, bắt mục tiêu. Rời trạm nhưng chúng tôi vẫn còn ghi nhớ khẩu hiệu của các anh: Đảo là nhà, biển cả là quê hương, màn hình sóng là chiến trường…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *