Trăn trở ứng phó với biến đổi khí hậu trong mùa mưa bão Kỳ 2: Nỗi niềm… đê biển tây !

Trước thực trạng đê biển Tây có diễn biến sạt lở cao trong thời gian gần đây, đồng thời nhận thấy những phản hồi về cuộc sống vất vả của người dân các khu vực ven biển Tây, ngày 3-3-2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đoàn công tác Trung ương, kết hợp với lãnh đạo tỉnh Cà Mau có chuyến kiểm tra thực tế đê biển Tây thuộc địa phận Cà Mau. Trong chuyến khảo sát này, Chủ tịch nước đã chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương tỉnh Cà Mau, cần tiếp tục đẩy mạnh những giải pháp hộ đê, sao cho phù hợp với điều kiện tự nhiên mỗi địa phương, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc trồng rừng giữ đất. Hy vọng rằng với sự quan tâm đặc biệt này, người dân các khu vực ven biển (đê biển) Tây sẽ được hưởng lợi, trước mắt là cuộc sống của họ sẽ không còn bị triều cường và sóng gió biển đe dọa. Còn những giải pháp dài hơi về ổn định nơi ở, phát triển kinh tế, trong tương lai cho người dân các khu vực này sẽ rất cần các ngành chức năng tiếp tục quan tâm, trợ lực. Ảnh: THANH MINH

Đê biển Tây ở Cà Mau với chiều dài trên 100km, đi qua địa phận các huyện U Minh, Trần Văn Thời và Phú Tân. Theo đó, dọc theo thân đê (trong và ngoài đê), số hộ dân sống và mưu sinh nhờ nguồn lợi cá tôm từ biển Tây là khá đông, tập trung nhiều tại các cửa biển: Khánh Hội, Hương Mai, Lung Ranh, Rạch Dinh… Trong vài năm trở lại đây, nhất là khi những tác động xấu từ biến đổi khí hậu như triều cường dâng cao, sóng gió, sạt lở đất… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất và thậm chí cả tính mạng của họ. Theo ghi nhận, tại các khu vực đã nêu và tại một vài điểm có dân cư phân bố quanh đê, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn.

Ông Lâm Văn Phong (trái), người sống nhiều năm nay tại khu vực ven biển Tây, thuộc Ấp 7, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, cùng người con trai lớn đang kiểm tra lại đoạn lưới đánh cá, chuẩn bị cho chuyến biển trong ngày mới. Ông cho biết phần đất ngập nước mà ông đang đứng, trước đây khoảng 6 năm là phần đất vuông tôm ven biển được gia đình ông cất công cải tạo. Tuy nhiên, nó đã bị triều cường và sóng làm sạt lở ngày một nghiêm trọng, đến mức chỉ còn thấy nước biển và những gốc cây trơ trọi như thế này. Mất đất canh tác, không có phương tiện đánh bắt thủy – hải sản xa bờ, gia đình ông hiện giờ chỉ còn biết trông chờ vào lượng cá tôm ít ỏi từ mé biển, cuộc sống rất khó khăn.

Vợ ông Lâm Văn Phong phụ giúp gia đình bằng việc lượm phế liệu trôi dạt từ biển vào, sau đó gom lại và ra khu vực dân cư cửa biển Hương Mai (xã Khánh Tiến) bán lại cho các chủ thu mua. Đây là công việc đã quen thuộc với bà từ nhiều năm nay. Ảnh: Bà vừa nhặt được mớ dây thừng trôi dạt từ biển vào.

Không hơn gì hoàn cảnh của hộ ông Lâm Văn Phong, nhiều người dân sống ở khu vực ven đê biển Tây, đoạn thuộc khu dân cư cửa biển Hương Mai, do không có phương tiện đánh bắt thủy – hải sản, hoặc có mà do làm ăn thua lỗ đã bán đi, hiện sống bằng nghề gỡ lưới cá thuê. Họ làm thuê với giá 10.000 đồng/giờ. Hỏi ra mới biết, số tiền thu nhập ít ỏi này hầu như là nguồn thu nhập chính và duy nhất của họ để nuôi sống gia đình. Nói về công việc hiện tại, đa phần mọi người đều ngao ngán vì quá vất vả, nhưng buộc phải “theo nghề” để tránh đói.

Cái nghèo của người dân khu vực biển Tây đương nhiên bị tác động xấu từ biến đổi khí hậu: Biển động bất thường, sạt lở đất làm hư hỏng nhà cửa và tư liệu sản xuất… Một thực tế nữa trong những năm gần đây, khiến cuộc sống của mọi người khó càng thêm khó là nguồn lợi thủy – hải sản ven bờ đã khan hiếm hẳn đi. Trong ảnh: Sau một ngày chật vật với những đoạn lưới khu vực ven biển, sản phẩm mà ngư dân này thu được chỉ là vài ký cá tạp, giá trị kinh tế thấp.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, người dân các khu vực quanh đê biển Tây ít nhiều được an ủi, bởi họ gián tiếp được thụ hưởng, từ những sự quan tâm đặc biệt của Trung ương và của tỉnh trong nỗ lực bảo vệ đê biển, đến trực tiếp bố trí tái định cư, thực hiện nhiều chủ trương dân sinh (hỗ trợ nhà ở, vốn sản xuất, chi phí tái định cư…).

Những đứa trẻ ở khu vực dân cư cửa biển Hương Mai (xã Khánh Tiến, huyện U Minh) ngây thơ đùa nghịch trong cái lạnh của cơn mưa chiều. Lẽ ra, ở lứa tuổi này, bọn trẻ cần được cha mẹ chăm sóc chu đáo hơn thế.

Vượt qua những khó khăn, khắc nghiệt của thời tiết, những thanh niên này vẫn hướng ra biển. Họ cần phải đánh bắt được nhiều, càng nhiều cá để kiếm cái ăn, cái mặc cho gia đình mình.

Người dân sống và mưu sinh ở khu vực các cửa biển Hương Mai, Lung Ranh, Rạch Dinh…, hoặc ven biển (ngoài đê biển Tây) có cuộc sống khó khăn. Về lại khu vực trong đê biển, cuộc sống của người dân cũng không khá hơn là mấy. Rất nhiều hộ dân khu vực trong đê, thuộc địa phận xã Khánh Tiến, Khánh Hội (huyện U Minh) phải sống trong cảnh ngập nước như thế này. Nguyên nhân là do chưa có hệ thống thủy lợi phù hợp, việc tháo nước rất khó khăn. Chỗ ăn nghỉ còn chưa đảm bảo, nói chi đến chuyện phải mưu sinh bằng cách nào?!.

Thấy được những tác động to lớn từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng triều cường dâng cao, sóng gió gây ra tình trạng sạt lở đất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân khu vực quanh đê biển Tây, đồng thời triệt đi khả năng nước biển sẽ làm hư hỏng phần thân đê, các ngành chức năng Trung ương và tỉnh Cà Mau đã và đang thực hiện việc xây dựng bờ kè li tâm – một giải pháp tuy tốn kém nhưng sẽ có tác dụng tích cực về lâu dài trong việc ngăn nước biển dâng, chống sạt lở đất, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ đê biển Tây, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.

Hiện, đê biển Tây ở Cà Mau đi qua các địa phận huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân đã có nhiều đoạn được xây dựng bờ kè li tâm vững chắc như thế này. Đây là giải pháp tích cực, ghi nhận sự nỗ lực của các ngành chức năng Trung ương và địa phương trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đê biển Tây ở Cà Mau có chiều dài trên 100km. Tính đến nay, đã có hơn 14.500m kè hộ đê với nhiều cách thức được xây dựng, tổng nguồn kinh phí thực hiện trên 537 tỷ đồng từ năm 2009 đến nay. Tuy nhiên, con số ấy vẫn còn khiêm tốn so với hiện trạng nhiều khu vực đê biển Tây có nguy cơ sạt lở như hiện nay. Do chưa huy động được nguồn vốn, thiếu vốn, nên tại nhiều khu vực đê, những túi đá như thế này là giải pháp ban đầu chống sạt lở đất và nước biển dâng. Trong tương lai, vẫn rất cần được xây dựng kè li tâm để bảo vệ đê vững chắc hơn.

Về đảm bảo cuộc sống cho người dân các khu vực ven biển Tây, những năm qua, tỉnh Cà Mau đã nỗ lực thực hiện nhiều chương trình phúc lợi, trong đó đáng chú ý là chủ trương xây dựng các khu tái định cư, nhằm góp phần ổn định chỗ ăn ở cho người dân. Tuy nhiên, với thói quen mưu sinh từ biển, có vẻ như người dân vẫn chưa “mặn mà” với những khu tái định cư vốn “tách bạch” với biển như thế này. Nguyên nhân khiến họ băn khoăn là khi vào sống ở các khu tái định cư, dù có an toàn hơn, nhưng họ không biết làm nghề gì để sống (?!). Họ đang mong muốn có được hướng đi bền vững hơn. Ảnh chụp tại Khu tái định cư Hương Mai.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *