Trăn trở ứng phó với biến đổi khí hậu trong mùa mưa bão Kỳ cuối: Xây đê biển đông trong tương lai là cấp thiết !

Dọc theo ven biển, nhiều khu rừng (mắm, đước), trước đây vốn được xem là rừng phòng hộ, nay đang “hấp hối” trước triều cường và những con sóng, diện tích thu hẹp đáng kể trong vài năm trở lại đây.

Ở khu vực ven biển phía đông của tỉnh Cà Mau mùa này, những xóm nhà tạm và nghèo khó hoặc tập trung, hoặc thưa thớt trước cảnh trời nước man mác sóng gió.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, đây là khu vực trọng yếu của tỉnh, đã chịu nhiều tác động xấu từ biến đổi khí hậu và rất cần được xây dựng một bờ đê chắn sóng, ngăn nước biển dâng trong tương lai thật gần.

Vào các nhánh kênh rạch có dòng chảy thông ra hướng biển Đông, tình trạng sạt lở đất vẫn diễn ra nghiêm trọng. Trong ảnh: Bà Đào Thu Hà, người dân ấp Hải An, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi còn chưa hết bàng hoàng khi nhìn lại phần đất bị sạt lở, gần 1 tháng trước, nơi này vẫn còn là ngôi nhà của gia đình bà.

Như Báo ảnh Đất Mũi đã phản ánh ở 2 kỳ trước, nếu ở khu vực ven sông nội đồng, người dân ít nhiều còn có nơi “nương tựa” khi dựng tạm lại nhà cửa trên chính phần đất vừa sạt lở, sụp lún trước đó; hay khu vực ven biển Tây, người dân “an ủi” với một đê biển bằng đất đen cao ráo có hệ thống bờ kè ly tâm được đầu tư xây dựng, dù chưa hoàn thành nhưng cơ bản đã đủ sức ứng phó với những tác động xấu từ biển… thì ở đây, với chiều dài bờ biển trên 100km, khu vực ven biển phía đông của tỉnh chưa có hệ thống đê bao, sóng và triều cường vẫn từng ngày tác động không phanh, trực tiếp lên phần đất canh tác, nhà cửa, tính mạng của người dân các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển.

Còn đây là con đường nhựa thuộc ấp Kinh 17, xã Tam Giang, huyện Năm Căn. Chính triều cường và dòng chảy lớn thông lưu với cửa biển Hố Gùi (xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn) và Bồ Đề (xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển) đã tác động làm sụp lún nghiêm trọng. Các ngành chức năng địa phương vẫn chưa có giải pháp gia cố kịp thời.

Nhìn vào một góc chợ Vàm Đầm (xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi), rất dễ thấy được những tác động xấu từ triều cường và dòng chảy, làm sụp lún, nghiêng ngả nhà cửa, bến bãi của người dân.

Từ năm 2011, tỉnh Cà Mau đã có Dự án (thực hiện đến năm 2015) xây dựng hệ thống đê biển Đông với chiều dài 78km từ vàm Chung Kiết (huyện Đầm Dơi) đến sông Bảy Háp (huyện Năm Căn). Vùng Dự án này sẽ đi qua các xã Tân Thuận, Tân Tiến, Nguyễn Huân (huyện Đầm Dơi) và Tam Giang, Hàng Vịnh, Đất Mới, thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, do nhiều nguyên nhân và nhất là thiếu vốn, tỉnh vẫn chưa thực hiện được Dự án này.

Tại cửa Hố Gùi, diện tích đất và rừng cây phòng hộ không ngừng thu hẹp trong những năm gần đây do tác động từ biến đổi khí hậu.

Còn đây là ảnh chụp tại của biển Bồ Đề. Theo người dân sống ven khu vực này, chỉ trong khoảng từ 5 năm trở lại đây, phần đất và cây rừng bị thủy triều và sóng biển “tàn phá” lấn vào nội địa lên đến con số vài trăm mét…

Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn chế, tỉnh mới đầu tư xây dựng được một vài đoạn kè ly tâm ngắn tại các khu vực trọng điểm về sạt lở đất khu vực ven biển phía đông. Ngày ngày, các ngành chức năng địa phương và nhân dân vùng sạt lở vẫn rất mong muốn những bờ kè như thế này được nối dài…

Mặc dù tỉnh đang gặp khó về kinh phí trong việc xây dựng các đê ven biển, nhưng trước thực trạng sạt lở đất ven biển Đông, tỉnh đã cho xây dựng bờ kè ly tâm phòng chống nước biển xâm hại khá an toàn.

(Ảnh chụp tại khu vực cửa biển Gành Hào, địa phận thuộc ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *