Triển vọng tour Đất Mũi – Hòn Khoai – Nam Du – Phú Quốc

Hòn Khoai – cụm đảo đẹp nhất Cà Mau.

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau đến năm 2030 (Quyết định số 744/QĐ-TTg), nên du lịch Cà Mau có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai quy hoạch xây dựng, mời gọi đầu tư, kết nối tour tuyến… Trong đó, đường biển là một trong những tuyến đầy tiềm năng về du lịch. Vùng biển Cà Mau với ngư trường rộng trên 71.000km2, là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước. Mũi Cà Mau có vị trí vô cùng đặc biệt, phía nam giáp biển Đông, phía tây giáp vịnh Thái Lan với hàng trăm đảo xinh đẹp. Vì vậy phát triển du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau trên cơ sở phát triển thế mạnh về vị trí địa lý, hệ sinh quyển độc đáo, gắn với rừng ngập mặn, văn hóa đời sống sông nước, đặc biệt là biển đảo để hình thành sản phẩm du lịch đặc thù của Cà Mau.

Theo các chuyên gia tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL, Cà Mau hoàn toàn có thể và chắc chắn có thể gắn du lịch với lợi thế hàng hải. Bán đảo Cà Mau 3 mặt giáp biển, có những cụm đảo đẹp, hệ thống sông ngòi và bờ biển là ưu thế tuyệt vời để mở ra các tuyến giao thông thủy kết hợp du lịch. Có thể lấy Phú Quốc là minh chứng sinh động. Bởi từ Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau ra cụm đảo Hòn Khoai chỉ hơn 6 hải lý. Hòn Khoai vô cùng xinh đẹp, có diện tích khoảng 4km2, nằm ở phía đông nam mũi Cà Mau, thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển; là một trong những cụm đảo đẹp nhất của địa đầu cực Nam Tổ quốc. Hòn Khoai gồm 5 hòn đảo, có 2 bãi biển tuyệt đẹp, đó là Bãi Lớn và Bãi Nhỏ. Trên đỉnh Hòn Khoai có ngọn Hải Đăng do Pháp xây dựng từ 1920, là một trong những công trình đèn biển có mặt sớm nhất tại hải phận Việt Nam; là “mắt biển” quan trọng định hướng cho tàu thuyền qua lại trên biển.

Đất Mũi Cà Mau.

Từ Hòn Khoai đến đảo Nam Du khoảng 149km. Trên hải trình này, chúng ta qua những đảo: Hòn Hàn, Hòn Chuối…, đây cũng là ngư trường khai thác thủy sản truyền thống của ngư dân Cà Mau với hàng ngàn tàu thuyền khai thác trên biển. Nam Du là quần đảo xinh đẹp, bao gồm 21 hòn đảo lớn nhỏ nằm trong vịnh Thái Lan, trong đó Củ Tron là hòn lớn nhất, xa xa là Hòn Dầu, Hòn Ông, Hòn Ngang, Hòn Mấu, tạo thành một vùng non nước hữu tình. Nam Du là hòn đảo mang vẻ đẹp hoang sơ thu hút du khách.

Cách Nam Du hơn 78km là đến đảo ngọc Phú Quốc, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, nằm trong vịnh Thái Lan. Phú Quốc có nhiều bãi biển đẹp trải dài từ Bắc đảo đến Nam đảo; có 99 ngọn núi đồi và dãy rừng nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú. Phú Quốc có làng chài Rạch Vẹm, Bãi Thơm, Hòn Thơm, hòn Móng Tay, hòn Gầm Ghì, hòn Mây Rút, Hàm Rồng, Gành Dầu và Cửa Cạn; biển Bãi Dài… là những nơi lý tưởng cho các hoạt động khám phá thiên nhiên cùng các hoạt động trên biển: Du thuyền, câu cá, lặn ngắm san hô và khám phá đảo hoang kỳ thú…

Thơ mộng Nam Du. Ảnh: HUỲNH LÃNH

Trong định hướng phát triển du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, Hòn Khoai là một trong những tuyến du lịch sinh thái biển đảo, vui chơi giải trí mặt nước, tham quan di tích văn hóa lịch sử, kết nối với Côn Đảo – Nam Du – Phú Quốc tạo thành tour du lịch hấp dẫn du khách. Tuy nhiên hiện nay, tính kết nối du lịch giữa Cà Mau với các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh và vùng ĐBSCL chưa cao. Cà Mau chưa khai thác được các tuyến du lịch đường biển và đường bộ ven biển xuyên biên giới kết nối với Cà Mau, Kiên Giang, Campuchia và nam Thái Lan…

Nam Du mang vẻ đẹp hoang sơ thu hút du khách. Ảnh: HUỲNH LÃNH

Theo ông Quách Văn Ấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC), cho biết iPEC đang có kế hoạch tổ chức khảo sát, đánh giá toàn diện thực trạng các điểm du lịch, sản phẩm du lịch và kết nối tour, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh với khu vực. Từ đó đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc; đẩy mạnh phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm kết nối phát triển du lịch, tăng cường mời gọi các dự án đầu tư; tập trung lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, chuyên nghiệp để làm nhiệm vụ đầu tàu, dẫn dắt phát triển ngành Du lịch của tỉnh. Đồng thời sẽ tập trung liên kết vùng, tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch, tăng sức hấp dẫn của điểm đến; nghiên cứu phát triển các tour, tuyến du lịch vùng, du lịch quốc tế qua đường hàng không, đường biển, đường bộ: Khai thác tuyến du lịch đường biển giữa Cà Mau – Phú Quốc; tuyến du lịch đường bộ ven biển xuyên biên giới kết nối Cà Mau, Campuchia và Nam Thái Lan… Với những định hướng và giải pháp cụ thể, ngành Du lịch Cà Mau kỳ vọng mục tiêu trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng thời gian tới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *