Triển vọng từ mô hình nuôi tôm tích

Người đầu tiên thực hiện mô hình này là ông Vũ Văn Hiện. Qua tìm tòi, nghiên cứu, tháng 11/2017, ông bắt đầu triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm tích trong lồng. Ban đầu ông nuôi thử nghiệm 50 con giống, bình quân khoảng 18 ngàn đồng/con. Những chiếc lồng được ông làm bằng hai cái rổ buộc lại với nhau hoặc tận dụng từ những cái cal, có khui nhiều lỗ nhỏ, để bỏ con giống vào bên trong và thả nuôi trong vuông tôm. Qua 2 tháng, tôm tích đạt trọng lượng từ 150g trở lên. Hiện nay, giá tôm tích thịt khoảng 1,4 triệu đồng/kg. Như vậy từ vụ đầu, trừ các khoản chi phí, ông lãi trên 10 triệu đồng, chỉ với 50 con tôm tích giống.

Ông Vũ Văn Hiện, người đầu tiên nuôi tôm tích trong lồng của ấp Nà Chim.

Ông Hiện chia sẻ: “Tôm tích rất dễ nuôi, không cần phân, thuốc hóa học gì hết, chỉ nuôi tự nhiên. Khoảng 2 tháng thì được 150g là bán được. Nếu không bán, có thể đào ao thả đợi thêm 1 – 2 tháng nữa là tôm tích lớn gấp 2, gấp 3 lần. Lúc này tôm tích lên đủ gạch và đẹp, nên bán ra khách hàng rất ưa chuộng”.

Với những kết quả đạt được từ vụ nuôi đầu, đầu tháng 5/2018, ông tiếp tục thả nuôi vụ 2 với 200 con. Hiện nay, số lượng tôm của ông đều phát triển tốt. Thấy được những hiệu quả mang lại từ mô hình này, hiện nay tại ấp có hơn 10 hộ bắt đầu thả nuôi. Ông Huỳnh Văn Hái, vừa mới thả 100 con tôm tích giống, chia sẻ: “Vừa qua, tôi thấy anh Hiện có nuôi và thu hoạch một đợt rồi, thấy rất hiệu quả nên tôi thả nuôi 100 con giống cũng làm theo cách của anh Hiện. Mô hình này rất dễ nuôi, do nguồn thức ăn có sẵn, với lại mỗi ngày chỉ cho ăn một lần là đủ, nên thời gian còn lại có thể làm nhiều việc khác”.

Những chiếc lồng được ông Hiện làm từ những cái rổ úp lại với nhau hoặc từ những cái cal.

Với nguồn con giống có giá cả phải chăng, lại được bắt tại địa phương, nên môi trường thả nuôi rất phù hợp. Thức ăn cho tôm tích có thể tận dụng từ nguồn cá tạp trong vuông tôm, tỷ lệ đạt đầu con rất cao và đầu ra luôn ổn định. Đặc biệt, với những chiếc lồng tự chế này, có thể tiếp tục sử dụng trong nhiều vụ tiếp theo.

Ông Trần Quốc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm Hải: “Để mô hình này được phát triển bền vững, cần phải có nguồn vốn. Muốn có nguồn vốn hỗ trợ thì cần phải thành lập tổ hợp tác. Đối với vấn đề này, hiện nay, đã nhận được sự thống nhất của Hội Nông dân huyện. Sau khi tổ hợp tác được thành lập, chúng tôi sẽ ưu tiên hỗ trợ để giúp người dân phát triển sản xuất”.

Mô hình nuôi tôm tích lồng đã mở ra hướng đi mới và góp phần tăng thêm lựa chọn về ngành nghề sản xuất cho nông dân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *