Trong 2 năm, Cà Mau có 93 học sinh xuất cảnh du học

Công ty cổ phần Quốc tế ICO là đơn vị đầu tiên đặt chi nhánh tại Cà Mau (ICO Cà Mau) và ký kết với tỉnh trong lĩnh vực du học và XKLĐ.

ICO là một trong những công ty tham gia tuyển và đào tạo lao động theo Đề án Đưa người lao động sang làm việc nước ngoài giai đoạn 2018 – 2020 (Đề án XKLĐ), chủ yếu là thị trường lao động Hàn Quốc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng (trái) trao biểu trưng tặng các đơn vị thực hiện tốt trong công tác phối hợp.Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng (trái) trao biểu trưng tặng các đơn vị thực hiện tốt trong công tác phối hợp.

Qua khảo sát, nhận thấy có nhiều lao động trên địa bàn tỉnh mong muốn được tìm hiểu về thị trường XKLĐ tại Nhật và Đài Loan, nên ICO Cà Mau đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh mở trung tâm đào tạo dự nguồn XKLĐ, đào tạo thêm 2 ngoại ngữ là tiếng Nhật và tiếng Hoa phục vụ cho lao động sang 2 thị trường nói trên.

Qua 2 năm phối hợp, ICO đã đồng hành cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tham gia 13 phiên giao dịch việc làm tại các huyện và TP. Cà Mau; tư vấn chuyên sâu tại nhiều địa phương hơn 117 cuộc với hơn 10 ngàn lượt lao động tham gia. Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tập huấn cộng tác viên cho hơn 1.000 lượt cán bộ tại các ấp, xã. Đặc biệt, đã đào tạo 202 lao động dự nguồn cho tỉnh. Xuất cảnh được 46 lao động.

Bà Mai Kiều Oanh, Giám đốc ICO Cà Mau cho biết, ICO đã phối hợp với các trường THPT khảo sát học sinh. Đã có 1.016 học sinh có ý định đi làm việc nước ngoài, 412 học sinh mong muốn được đi du học. Sau khi được tư vấn chuyên sâu về các điều kiện cụ thể khi tham gia lao động và du học nước ngoài, thì chỉ còn 418 học sinh muốn tham gia XKLĐ và 257 học sinh có ý định du học sau khi tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, số lượng học sinh đủ điều kiện về học lực và tài chính để tham gia du học là 199 học sinh (chiếm 16% số lượt học sinh dự lớp miễn phí), đã xuất cảnh 93 học sinh, có visa, COE; chờ xuất cảnh 12 học sinh.

Bà Oanh cũng cho biết về những khó khăn như: Vì chương trình còn quá mới đối với người dân địa phương nên việc tuyên truyền, tư vấn còn gặp nhiều khó khăn; người dân chưa hoàn toàn tin tưởng vào chương trình xuất khẩu. Với lĩnh vực du học, hồ sơ tương đối nhiều và khác xa so với việc học trong nước, nên các địa phương vẫn chưa quen với việc xác định hồ sơ cho học sinh đi du học.

Để công tác phối hợp được tốt hơn trong thời gian tới, bà Oanh đề xuất phía tỉnh Cà Mau có chính sách hỗ trợ cho du học sinh Cà Mau khi du học nước ngoài. Cần có chủ trương khảo sát và phân luồng học sinh THPT từ đầu năm học, để có hướng hỗ trợ cho học sinh chọn lựa ngành nghề, việc làm từ khi còn học THPT. Cần đưa thêm những chương trình kỹ năng dạy cho học sinh từ THPT, để học sinh có thêm kiến thức, kỹ năng và ý thức chọn lựa ngành nghề và việc làm khi tốt nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng cho biết, tỉnh Cà Mau tiếp tục nghiên cứu xây dựng Đề án với quy mô rộng lớn hơn, với cơ chế, chính sách mới. Quan tâm, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng như học sinh, lao động tìm việc và du học, vừa nâng cao tay nghề vừa nâng cao trình độ kiến thức và mang về nguồn ngoại tệ cho địa phương.

“Trong thời gian tới cần phối hợp mạnh mẽ hơn, đổi mới phương thức thực hiện để mang lại hiệu quả hơn. Đặc biệt là công tác tuyên truyền để toàn thể người dân nhận thức rõ hơn về Đề án XKLĐ để tham gia nhiều hơn. Phía tỉnh cũng sẽ xem xét chính sách hỗ trợ với tinh thần “con em Cà Mau như con em của mình” để công tác đào tạo mang lại kết quả cao hơn”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *