Trồng rừng gỗ lớn: Hướng đi mới cho ngành Lâm nghiệp

Theo Kế hoạch tái cơ cấu ngành hàng gỗ thuộc Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau đến năm 2020, diện tích rừng trồng cây keo lai là 12.000ha, trong đó có 3.600ha trồng keo lai gỗ lớn tập trung. Để đạt được mục tiêu đề ra cho ngành Lâm nghiệp, hiện các chủ rừng và người dân sống trên lâm phần đã và đang từng bước chuyển từ rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn.

Kiểm tra sinh trưởng của cây keo lai.

Đánh thức tiềm năng

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ hiện có gần 8.000ha keo lai, mỗi năm khai thác gần 1.000ha, với giá từ 150 – 200 triệu đồng/ha, có khoản lợi nhuận lớn. Thế nhưng hai năm gần đây, giá giảm hẳn từ 10 – 20%, thương lái chỉ tìm mua keo lai có đường kính lớn để làm gỗ, chứ không để băm dăm như trước, trong khi những cánh rừng keo lai của Công ty chưa kịp lớn.

Lợi ích kinh tế của rừng gỗ lớn được người dân cũng như các chủ rừng nhìn thấy từ lâu như trồng keo lai gỗ nhỏ đòi hỏi phải tái đầu tư chi phí giống, công trồng, chăm sóc ban đầu và có nguy cơ cháy cao hơn so với rừng gỗ lớn. Tuy vậy, do đa số người trồng rừng có diện tích ít, không đủ điều kiện tài chính để theo chu kỳ khai thác dài, đành chấp nhận trồng rừng gỗ nhỏ để trang trải cuộc sống.

Giữa năm 2015, từ Dự án Khuyến nông Trung ương do Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam chủ trì, đã thí điểm trồng 50ha rừng keo lai theo phương thức trồng rừng gỗ lớn tại 2 xã Khánh An (huyện U Minh) và Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời) cho 29 hộ dân. Theo đánh giá ban đầu của ngành chuyên môn, hiệu quả kinh tế của cây keo lai gỗ lớn sẽ cao hơn gần 2 – 3 lần so với gỗ nhỏ. Sau 10 năm trồng, với giá như hiện nay, bình quân mỗi cây gần 1 triệu đồng. Trồng keo lai gỗ lớn cũng đào mương kê liếp, mật độ trồng khoảng 2.500 cây/ha như keo lai gỗ nhỏ, nhưng có điểm khác ở chỗ là khi rừng trồng được khoảng 4 năm thì bắt đầu khai thác bằng cách tỉa thưa, chừa lại khoảng 1.200 cây/ha. Sau đó đến năm thứ 6, 7 tiếp tục dọn cành, tỉa thưa còn lại khoảng 800 cây/ha, có thể tỉa lần thứ 3 sau lần tỉa thứ 2 khoảng 2 năm, còn chừa lại 450 – 500 cây. Việc tỉa thưa mở rộng không gian giúp nâng cao chất lượng, trữ lượng gỗ. Với mức giá bán các loại cây gỗ hiện nay, bình quân đạt 400 – 500 triệu đồng/ha/chu kỳ khai thác. Hiện diện tích trồng thử nghiệm trên đang được các hộ dân chăm sóc, bảo vệ, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế tích cực.

Giống keo lai cấy mô đang được các chủ rừng và người dân lựa chọn.

Chỉ tay về vạt rừng keo lai 5 năm tuổi mà Dự án Khuyến nông Trung ương (do Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam chủ trì) hỗ trợ phân bón và kỹ thuật, anh Nguyễn Bé Sáu (Ấp 14, xã Khánh Hòa, huyện U Minh) cười: “Vụ khai thác tới đây chắc trúng đậm, vì giờ trồng cây keo lai gỗ nhỏ giá cả không ổn định, nên chuyển sang trồng rừng gỗ lớn”. Anh Sáu tính: Sau hơn 4 năm trồng, trữ lượng khoảng gần 100m3/ha, hứa hẹn sẽ mang lại giá trị kinh tế cao khi đến chu kỳ khai thác.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ đã tiến hành tỉa thưa một số khu vực trồng cây gỗ nhỏ sang kinh doanh keo lai gỗ lớn. Công ty dự tính hàng năm duy trì từ 500 – 800ha để chuyển sang rừng gỗ lớn. Giám đốc Công ty, ông Trần Văn Hiếu chia sẻ: “Hiện Công ty đang thực hiện việc chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn ở những nơi phù hợp, dự kiến đến năm 2020 sẽ có khoảng 2.000ha keo lai gỗ lớn. Trồng theo mô hình này vừa hạn chế được sâu bệnh, đảm bảo tốt cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng và giảm được rất nhiều lao động”.

Một số hộ dân trong lâm phần giờ cũng đã dự tính chuyển đổi trồng rừng keo lai gỗ lớn. Đây được xem là tín hiệu tích cực, phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2019 – 2023 trên khu vực rừng U Minh Hạ mà các chủ rừng xây dựng.

Hướng đi mới cho ngành Lâm nghiệp

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Nguyễn Như Độ thông tin, trồng rừng gỗ lớn đang là xu hướng trên thế giới và cũng là giải pháp quan trọng để thay đổi thực trạng kinh doanh lâm nghiệp hiện nay. Thời gian tới, Chi cục sẽ chỉ đạo các đơn vị cơ sở tiếp tục tuyên truyền về hiệu quả kinh tế, môi trường, cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển từ rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến gỗ keo lai tại chỗ để khai thác hết tiềm năng kinh tế từ cây keo lai. Hiện nay, tỉnh cũng đang hỗ trợ để doanh nghiệp và hộ dân trồng rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và đánh giá cấp chứng chỉ rừng (chứng chỉ quản lý rừng bền vững – FSC). Khi được cấp chứng chỉ, người dân bán gỗ sẽ cao hơn từ 18 – 20% so với giá thị trường. “Việc trồng rừng gỗ lớn là giải pháp có giá trị gia tăng cao và đáp ứng được các tiêu chí của quản lý rừng bền vững”, ông Độ khẳng định.

Rừng keo lai nhìn từ trên cao.

Trồng cây keo lai gỗ lớn không chỉ giảm chi phí đầu tư mà còn làm giảm xói mòn, giảm rửa trôi đất qua mỗi chu kỳ khai thác, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Kỹ sư Nguyễn Thành Thuân, Phó Trưởng phòng Sử dụng phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh), chia sẻ: “Khi triển khai Dự án thì người dân chưa tin tưởng vào hiệu quả của mô hình. Họ cho rằng cây keo lai để gỗ lớn sẽ bị rỗng ruột, dễ gãy đổ do bị bão; thêm nữa, điều kiện kinh tế khó khăn, không thể “đợi” được gỗ lớn, cần bán sớm để trang trải cuộc sống. Thế nhưng, sau khi nghe tư vấn về nội dung Dự án cũng như chính sách hưởng lợi và về hiệu quả kinh tế của mô hình thâm canh gỗ lớn với chu kỳ kinh doanh dài, khai thác dần có hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng rừng thâm canh gỗ nhỏ, nhiều hộ dân đã cam kết đồng hành cùng dự án. Từ năm 2017 đến nay, dự án đã hỗ trợ cho các hộ về vật tư kỹ thuật để chuyển hóa 100ha rừng keo lai từ rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn”.

Theo kế hoạch đến năm 2020, U Minh Hạ có trên 40% sản phẩm gỗ keo lai được khai thác từ rừng trồng có đường kính 15cm trở lên, để cung cấp cho ngành chế biến gỗ lớn. Đây cũng được xem là bước phát triển kinh tế rừng phù hợp theo chủ trương khai thác cây gỗ lớn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tỉnh cũng đã ưu tiên phát triển cây keo lai nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng theo hướng tạo nguồn nguyên liệu tập trung để cung cấp cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, gắn mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Cây keo lai đã “bén rễ” trên đất rừng U Minh Hạ và đã mở ra một hướng đi mới, góp phần giải quyết sinh kế, nâng cao đời sống của người dân. Dù chưa đến chu kỳ thu hoạch từ mô hình mà Dự án hỗ trợ, nhưng nhìn vào những kết quả bước đầu cũng như sự kỳ vọng của người dân, có thể thấy mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ lớn là hướng đi bền vững, giúp người dân vừa giảm được công sức, vừa tăng thu nhập phát triển kinh tế gia đình, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế rừng ở địa phương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *