Trường tư lao đao vì COVID-19

Nghỉ dạy, giáo viên bán hàng online

Sau khi dạy được 2 ngày thì trường thông báo cho học sinh nghỉ học nhằm phòng, chống dịch COVID-19, cô Nguyễn Mộng Kha, giáo viên Trường Mầm non Hạnh Phúc (Phường 9, TP. Cà Mau) đã chuyển sang bán hàng online. Khi nhà trường có thông báo tập trung dọn vệ sinh, sát khuẩn hoặc làm thêm thì cô lên trường.

Cô Nguyễn Mộng Kha cho biết: “Lâu nay ở trọ, chi phí sinh hoạt tốn kém, riêng tiền thuê phòng tốn 1,5 triệu đồng mỗi tháng, nên khi có thông báo cho học sinh nghỉ học, tôi đã phải chuyển sang sống nhờ nhà người quen để tiết kiệm chi tiêu và bán hàng online để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhưng do công việc còn mới mẻ, người mua ít nên thu nhập không được là bao”.

Tại Trường Mầm non Hạnh Phúc, bình thường, để đảm bảo bữa ăn của các cháu, nhà trường đã tự trồng rau sạch. Nhưng từ khi có thông báo nghỉ học đề phòng dịch COVID-19, vườn rau bỏ không, nên ông Võ Trung Quốc (chủ cơ sở) cùng với các giáo viên trong trường tận dụng, bán rau cho phụ huynh và người quen để giúp cho các giáo viên cải thiện cuộc sống.

Cùng là giáo viên Trường Mẫm non Hạnh Phúc, cô Nguyễn Thị Diễm Tuyết cho biết, thu nhập của cô tại trường ở mức 4 – 4,5 triệu đồng/tháng. Bình thường, từ khoản lương này, cuộc sống của cô tạm ổn. Từ khi trường cho học sinh nghỉ đến nay, cô chỉ quanh quẩn ở nhà, tập bán hàng online nhưng thu nhập bấp bênh. “Tôi cũng muốn đi kiếm việc thời vụ gì đó để làm, nhưng khó quá”, cô Tuyết bộc bạch. 

Khi được hỏi về hỗ trợ của nhà trường, cô Tuyết cho biết, tháng 2 vừa qua, cô và tất cả giáo viên của trường được nhận 100% lương, nhưng đến thời điểm hiện tại, Ban Giám hiệu nhà trường vẫn chưa có thông báo hỗ trợ gì cho giáo viên trong tháng 3.

Còn tại Trường Mầm non Phổ Trí Nhân (Phường 5, TP. Cà Mau), để giúp giáo viên của trường trang trải cuộc sống trong những học sinh nghỉ học phòng, chống dịch COVID-19, Ban Giám hiệu nhà trường và giáo viên đã cùng nhau bán thức ăn nhanh bằng hình thức ship tận nơi. Ban đầu nhà trường sẽ là “chủ đầu tư vốn”. Tận dụng bếp ăn của trường, các cô chia việc ra làm, một nhóm đi chợ, nấu nướng chế biến, một nhóm sẽ giao hàng và thu tiền. Khách hàng đa phần là người quen và phụ huynh học sinh. Cô Quan Ngọc Bích, Hiệu trưởng trường, chia sẻ: “Việc tổ chức bán thức ăn nhanh bằng hình thức online chỉ là tạm thời, không ổn định”.

Nghỉ dạy, các cô giáo Trường Mầm non Phổ Trí Nhân cùng nhau làm các món ăn tại trường để bán hàng online.

“Khó có thể hỗ trợ tiếp cho giáo viên”

Đây là khó khăn chung của các trường tư thục trên địa bàn tỉnh hiện nay. Không có nguồn thu từ học phí khi học sinh nghỉ học kéo dài, trong khi vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, đóng thuế, đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên, nhân viên, nhiều trường tư thục trên địa bàn TP. Cà Mau đang phải chật vật cân đối chi, đời sống giáo viên ở các trường này cũng bị ảnh hưởng do lương bị cắt giảm. 

Ông Võ Trung Quốc, chủ cơ sở Trường Mầm non Hạnh Phúc, nói: “Các giáo viên trường đã được hỗ trợ 100% lương tháng 2. Chúng tôi không thể nào không hỗ trợ lương cho các giáo viên được, vì họ đã gắn bó với trường, vả lại việc phải nghỉ dạy là do khách quan. Tuy nhiên, nếu nghỉ dạy 1 – 2 tháng, trường còn cầm cự được; nếu kéo dài thì trường khó có thể tiếp tục hỗ trợ tiền lương”.

Với Trường Mầm non Phổ Trí Nhân, cô Quan Ngọc Bích chia sẻ: “Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, vì là trường tư nên phải chi rất nhiều khoản, trong khi không có học sinh, trường không thu được học phí. Vì thế, chúng tôi chỉ hỗ trợ được 50% lương cơ bản cho các cô, tương đương 2 – 2,5 triệu đồng/tháng/người”. 

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau thông tin, hiện tại các trường Mầm non, Tiểu học và THCS, THPT công lập trên địa bàn tỉnh vẫn trả lương cho giáo viên đầy đủ theo quy định trong thời gian tạm nghỉ để phòng, chống dịch COVID-19. Hiện chưa có chính sách hỗ trợ khác đối với giáo viên.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở, cho biết: “Theo báo cáo của các Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, TP. Cà Mau thì tùy theo điều kiện của từng cơ sở giáo dục ngoài công lập và dựa trên các điều khoản hợp đồng lao động đã ký kết, mà các cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện việc chi trả chế độ tiền lương cho giáo viên có sự khác nhau giữa các đơn vị”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *