Tự hào những thương hiệu made in “nông dân” Bài 2: Chị nông dân xứ Đầm làm sản phẩm OCOP

Nâng tầm giá trị nghề gia truyền

Nghề làm tôm khô có mặt ở nhiều địa phương trong tỉnh Cà Mau từ rất lâu và nghề này bén duyên với gia đình chị Trương Ngọc Giàu đã ngót 30 năm. Chị kể, tuổi thơ gần 15 năm chị theo gia đình sống bằng nghề đóng đáy ở Năm Căn, Gành Hào. Hồi đó, tôm rất nhiều, bán không kịp, hoặc tôm cỡ nhỏ thương lái không mua, cha mẹ chị làm tôm khô bán cho vựa. Đến khi cả gia đình chuyển về sinh sống và làm vuông tôm ở xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tận dụng tôm nguyên liệu có sẵn từ vuông nuôi của gia đình và thu mua thêm tôm của người dân địa phương, gia đình chị Giàu vẫn duy trì nghề ấy đến nay.

Chị Ngọc Giàu (bìa phải) cùng chị em sơ chế món chà bông tôm, một sản phẩm có mặt trong gia đình hơn 20 năm qua.

Năm 1994, chị Giàu lập gia đình và theo chồng về ấp Tân Thành, xã Tân Tiến sinh sống. Đúng một năm sau, huyện Đầm Dơi chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm, dù có đất sản xuất nhưng thu nhập bấp bênh, nên vợ chồng chị Giàu làm thêm nghề phụ là thu mua tôm nguyên liệu ở địa phương lân cận bán lại cho vựa kiếm lời. Trong quá trình thu mua tôm, chị chọn lọc nguồn tôm ngon, tươi sống, cùng với kinh nghiệm đúc kết được từ “bí quyết” làm tôm khô gia truyền, chị Giàu thử nghiệm làm món tôm khô, tôm rang biếu cho người thân và bán cho khách quen có nhu cầu vào dịp tết. Đặc biệt, với món tôm khô chà bông đã có mặt trong gia đình chị hơn 20 năm qua, ý tưởng ấy bắt đầu khi trong nhà có ông, bà cao tuổi và trẻ nhỏ không thể ăn tôm nguyên con và tôm khô, nên Chị chế biến thử món tôm khô chà bông bằng máy xay sinh tố; nhiều lần thất bại, chị rút kinh nghiệm, cuối cùng đã chế biến được món chà bông tôm ưng ý. Chà bông tôm mềm, chứa nhiều canxi, tạo vị giác lạ miệng cho ông bà và trẻ nhỏ khi ăn kèm với cháo, cơm chưng. Mọi người dùng thử thấy ngon, khuyến khích chị làm nhiều để bán. Cùng với niềm đam mê nấu ăn từ nhỏ, kể từ đó, chị Giàu có ý tưởng chế biến nhiều món ăn từ con tôm, như: Tôm khô, tôm chà bông, mắm tôm, tôm rang, chả tôm… để bán cho người dân địa phương và theo đơn đặt hàng thông qua người quen giới thiệu.

Chị Giàu chia sẻ: “Trong cuộc sống ai cũng có ước mơ, đam mê một công việc nào đó, nhưng không phải ai cũng may mắn và thành công. Là một phụ nữ nông thôn, quanh năm chỉ biết công việc nội trợ, chăm sóc cha mẹ già và con nhỏ, tôi không nghĩ rằng sản phẩm của mình lại được người tiêu dùng đón nhận như hôm nay. Nghề chế biến các loại tôm trở lại và đến với tôi như một cái duyên. Nhận thấy nguồn tôm nguyên liệu ở địa phương khá lớn, nhu cầu người tiêu dùng càng cao, đặc biệt là xu thế chấp nhận những mặt hàng tôm sạch, chất lượng, làm theo phương pháp thủ công, phơi nắng tự nhiên; cùng với thực tế là có nhiều cơ sở chế biên tôm khô ăn nên làm ra từ nghề làm tôm khô; thế rồi tôi nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp và gắn bó lâu dài với mô hình này”.

Chị nhớ lại thời điểm đó, đúng lúc trong đầu chị đang có ý tưởng khởi nghiệp thì tình cờ xem chương trình thời sự trên Đài PT-TH Cà Mau, nghe lời phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải với nội dung là khuyến khích cá nhân, tập thể khởi nghiệp phù hợp với đặc trưng, lợi thế của địa phương, tiến đến xét và công nhận sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), sau đó các sở ngành tỉnh sẽ hỗ trợ quảng bá giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện để đặc sản Cà Mau vươn xa khu vực và sẽ mở điểm trưng bày, giới thiệu đặc sản Cà Mau đầu tiên đặt tại Khách sạn Ánh Nguyệt… Nghe tới đây, ước mơ khởi nghiệp một lần nữa trỗi dậy trong chị, với dự định lâu dài và bền vững, mong muốn sản phẩm của mình làm ra vào được hệ thống siêu thị Co.opmart và đi khắp cả nước, nên đầu năm 2019 chị quyết định đăng ký thương hiệu “Tôm khô Ngọc Giàu”, đến giữa năm 2019 thì có đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện mô hình. Năm 2020 thì có 2 sản phẩm là tôm chà bông và tôm rang đủ điều kiện vào top sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của huyện Đầm Dơi.

Đưa tôm “đi hội chợ, vào siêu thị”

Là người Cà Mau, tôi đã từng thử qua nhiều món ăn chế biến từ con tôm, nhưng khi dùng qua các món ăn như: Tôm rang, tôm khô (tôm đất), chả tôm, tôm chà bông… do chị Ngọc Giàu chế biến, tôi thật sự rất ấn tượng. Tôi cảm nhận được vị ngọt, thơm tự nhiên, độ mềm vừa phải của con tôm khô làm từ tôm đất tươi sống; vị giòn, đậm đà trong từng con tôm rang; độ thơm, ngọt, dai nhẹ của chả tôm… Và có lẽ, “độ ngon” của các món ăn ấy là thành quả của tâm huyết và cả cái tâm của người phụ nữ chân quê ấy muốn gửi gắm đến người tiêu dùng.

Nhiều lần gọi điện thoại xin chị Giàu cuộc hẹn, nhưng lịch tham gia hội chợ, xử lý công việc liên quan đến sản phẩm OCOP của chị dày đặt, mãi đến con nước 30 của tháng 10 âm lịch, thời điểm vào con nước xổ vuông, có tôm nguyên liệu, chị Giàu tranh thủ ở nhà chế biến tôm thì tôi mới gặp được chị. Hôm ấy chị Giàu vừa cho ra mẻ khô tôm đất loại đặc biệt và công nhân đang tăng tốc làm tôm khô chà bông, chuẩn bị lượng sản phẩm đáng kể để tham gia hội chợ và đơn đặt hàng của các sở, ngành tỉnh để làm quà biếu các đơn vị tham gia Hội chợ Thương mại tỉnh Cà Mau năm 2020. Chị Giàu cho biết, 3 ngày trước đó, chị đã mang sản phẩm tham gia Hội chợ “Đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2020”, là sự kiện thường niên do Thành phố Hà Nội tổ chức, với quy mô 300 gian hàng có sự tham gia của 63 tỉnh, thành trong cả nước. Vì đường xa, đi bằng đường hàng không nên chị chỉ mang theo hơn 40kg sản phẩm làm từ tôm, như: Tôm đất khô, chà bông và tôm rang… “Sau khi cho khách tham quan hội chợ dùng thử sản phẩm của mình, khách rất ưng, đi vòng hội chợ rồi quay lại mua sản phẩm, họ công nhận sản phẩm của mình khác biệt”, chị kể và cho biết khi ấy chị rất vui và càng có thêm động lực để mở rộng quy mô sản xuất thời gian tới. Chỉ 2 ngày tham gia hội chợ, gian hàng của chị hết sạch 40kg tôm các loại.

Tính đến nay, chị Giàu đã tham gia trên 6 đợt hội chợ tại nhiều tỉnh, thành cả nước. Sau các đợt tham gia hội chợ, nhiều đơn vị liên hệ đặt mua sản phẩm, nhất là tôm khô đất và chà bông. Các siêu thị lớn ở các tỉnh, thành cả nước cũng đặt vấn đề cung ứng sản phẩm tôm khô và tôm chà bông, nhưng hiện nay cơ sở chỉ mới đăng ký 2 sản phẩm OCOP là tôm rang và tôm chà bông vào năm 2020, dự định năm 2021 sẽ đăng ký thêm 2 sản phẩm tôm đất khô và chả tôm, với đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, nhãn mác, logo, mã vạch xuất xứ… thì sản phẩm mới có thể tiến vào hệ thống siêu thị trong cả nước.

Chị Giàu cho biết thêm, 2 năm qua, gia đình đã đầu tư trên 200 triệu đồng làm hệ thống phơi nhà lưới, tủ bảo quản, nhà xưởng… lần lượt đáp ứng yêu cầu theo chuẩn của sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên, điều khó hiện nay là nguồn tôm đất thiên nhiên rất hiếm, bởi rất nhiều cơ sở thu mua chế biến, nhất là vào dịp tết. Đối với sản phẩm khô tôm đất, hiện nay cơ sở vẫn ưu tiên làm bằng phương pháp thủ công, phơi nắng tự nhiên, tạo nên sản phẩm khác biệt so với các cơ sở khác, nên số lượng sản phẩm làm ra của cơ sở Tôm khô Ngọc Giàu có hạn, không đáp ứng đủ đơn đặt hàng.

Chị Giàu đầu tư hệ thống phơi nhà lưới, đảm bảo nguồn tôm khô sạch cung ứng ra thị trường.

Theo chị Giàu, nghề này thấy thì đơn giản, nhưng thật ra vất vả vì phải thức làm bất cứ khi nào có tôm, đặc biệt là lúc được mùa. Khó khăn lớn nhất là phụ thuộc nguồn tôm thiên nhiên; thời tiết phải có nắng gắt thì tôm mới mau khô, màu sắc đẹp, giữ được độ ngon, hương vị đặc trưng và các công đoạn sau sẽ được rút ngắn. Hiện nay, bình quân hằng tháng cơ sở chị Giàu xuất bán hơn 200kg sản phẩm các loại, như: Tôm đất, tôm rang, mắm tôm, chà bông, chả tôm…, mang về nguồn thu trên 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho khoảng 5 lao động nhàn rỗi nông thôn với mức thu nhập bình quân 150 – 200 ngàn đồng/ngày.

Nói về dự định sắp tới, chị Giàu cho biết sẽ đăng ký thêm 2 sản phẩm OCOP là khô tôm đất, chả tôm; đề xuất với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Sở Công thương xin hỗ trợ dự án lò sấy dùng để sấy tôm khi cần thiết, nhất là vào mùa mưa và làm thêm sản phẩm bánh phòng tôm.

Trên nền tảng mà cơ sở Tôm khô Ngọc Giàu có được như hiện nay, cùng với những dự định sắp tới khi hoàn thành, tôi tin rằng thương hiệu “tôm khô Ngọc Giàu” sẽ vươn xa hơn, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Nghe chị Giàu kể: Để ra mẻ tôm rang ngon, đạt yêu cầu, chị phải ngồi ít nhất 3 giờ đồng hồ để đảo tôm, để tôm rang ngấm đều gia vị và độ nóng vừa phải để tạo được độ giòn cho sản phẩm. Hay tận mắt nhìn các chị nhân công đeo găng tay, mũ trùm tóc khi thực hiện các khâu sơ chế tôm chà bông, tỉ mỉ gắp từng sợi chỉ đen trên thân tôm còn sót lại…, tôi rất khâm phục cách làm của chị Giàu.

Rồi tôi từ giã chị Giàu, khi chị đang cùng một số chị em tranh thủ lúc trời nắng đảo mẻ tôm đất phơi trong nhà lưới trước sân nhà. Khô tôm đất đặng nắng, bật màu đỏ au trên giàn lưới, giữa bạt ngàn màu xanh của vườn rau và cây ăn trái quanh nhà. Mùi tôm khô thoang thoảng, gây nhớ – cái hương vị đặc trưng của quê hương Cà Mau mà tôi tin chắc rằng những ai xa quê sẽ thấy nhớ quay quắt trong lòng mỗi độ tết đến. Chính cái hương ấy, cùng với niềm đam mê cháy bỏng đã thôi thúc chị Giàu – một phụ nữ thôn quê ở xứ Đầm nắm bắt cơ hội để thực hiện ước mơ và tỏa sáng giữa đời thường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *