Tuân thủ triệt để lịch thời vụ để hạn chế thiệt hại

Qua rà soát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong số 32.000ha lúa – tôm sản xuất trong năm 2015 thì chỉ có 4.000ha được sản xuất theo đúng lịch thời vụ.

“Chính việc để kéo dài vụ tôm khiến mùa lúa bị đẩy lùi về phía sau và gặp phải hiện tượng El Nino nên mức độ thiệt hại tăng cao. Đây là bài học mà ngành Nông nghiệp và các cấp địa phương cũng như người dân cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong thời gian tới”, ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.

Để mùa vụ năm 2016 đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân nên tuân thủ lịch thời vụ.

Năm 2015, toàn tỉnh chỉ xuống giống được 76% diện tích lúa – tôm so với kế hoạch, tức chỉ đạt 32.328ha, nhưng đến nay có đến gần 58% diện tích bị thiệt hại. Đặc biệt, trong số đó mức độ thiệt hại từ 30 – 70% chiếm diện tích khá lớn. Những con số đã khiến không ít người băn khoăn về mô hình được xem là bền vững này trên địa bàn tỉnh.

Huyện U Minh được xem là địa phương thực hiện thành công nhất mô hình lúa – tôm vụ mùa năm 2014, thế nhưng hiện nay toàn huyện dù cơ bản thu hoạch xong tất cả các trà lúa nhưng năng suất bình quân chỉ đạt khoảng 3,2 tấn/ha. Ngoài ra, diện tích bị thiệt hại do phèn mặn và nắng nóng trên địa bàn huyện trên 11.138ha, trong đó lúa mùa 5.142ha và lúa – tôm trên 5.196ha.

Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, trà lúa – tôm trên địa bàn huyện Thới Bình vụ mùa vừa qua cũng bị thiệt hại khá nặng với trên 17.600ha. Trong đó, mức thiệt hại từ 30 – 70% khoảng 5.300ha, còn lại là từ 70% trở lên.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, trà lúa vụ hai đang trong giai đoạn thu hoạch, với trên 11.000ha. Năng suất bình quân ước thấp hơn so với cùng kỳ khoảng 0,6 tấn/ha. Không chỉ năng suất thấp so với cùng kỳ nhiều năm, mà nhiều cánh đồng từ lúa – tôm đến lúa mùa cũng bị thiệt hại nặng do tình trạng thiếu nước và xâm mặn. Cụ thể, lúa – tôm bị thiệt hại 711ha, lúa đông xuân thiệt hại trên 10.000ha với 979ha mức thiệt hại trên 70%. Không chỉ bị thiệt hại trực tiếp về năng suất, mà người dân còn gặp khó trong việc thu hoạch và tiêu thụ lúa do ảnh hưởng của tình trạng thiếu nước. Theo ông Nguyễn Đồng Khởi, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, tình trạng nhiều tuyến kinh bị khô cạn khiến nhiều phương tiện thu hoạch và thu mua không thể lưu thông, ảnh hưởng lớn đến người dân, hiện nay giá lúa chỉ còn 4.000 – 4.100 đồng/kg khiến nông dân gặp khó khăn.

Với mức độ thiệt hại và diện tích thiệt hại trên địa bàn tỉnh khiến nhiều nông dân rơi vào tình cảnh khó khăn, cần sự hỗ trợ từ Nhà nước bằng việc công bố thiên tai. Ông Lê Văn Sử cho biết: “Sở vừa có tờ trình trình UBND tỉnh về công bố thiên tai gây thiệt hại trực tiếp đối với trà lúa trên đất nuôi tôm và lúa đông xuân trên địa bàn tỉnh; vì căn cứ vào các văn bản quy định hướng dẫn hiện hành thì tỉnh đủ điều kiện công bố thiên tai. Bên cạnh đó, ngành cũng đang có biện pháp hỗ trợ nông dân, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại”.

“Bước vào vụ mùa năm 2016 này, ba nhiệm vụ ngành sẽ quyết tâm làm là tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; triển khai thực hiện đồng bộ Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tăng cường năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai dịch bệnh, bảo vệ sản xuất cho nhân dân. Để các chỉ tiêu kế hoạch năm 2016 được hoàn thành ở mức cao nhất có thể, các đơn vị trực thuộc cần quan tâm hơn nữa trong xây dựng lịch thời vụ, sao cho phù hợp với tình hình thời tiết cực đoan sắp tới mà theo thông lệ, sau El Nino là đến La Nina. Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng giống, giá vật tư nông nghiệp cần được quan tâm kiểm tra và giám sát chặt chẽ. Ngoài ra, trong nuôi thủy sản, Cà Mau sẽ xây dựng những mô hình mẫu về nuôi tôm công nghệ cao để nhân rộng cho dân, nhằm từng bước tiến tới nâng cao năng suất và giá trị trên cùng đơn vị diện tích”, ông Lê Văn Sử cho biết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *