U Minh: Tiến tới ổn định trường, lớp học

Trường Tiểu học Nguyễn Hiền (thị trấn U Minh) sáp nhập vào Trường Tiểu học Thái Văn Lung và Trường Tiểu học Nguyễn Văn Huyên.

Những năm qua, với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân, huy động nguồn lực từ xã hội đầu tư sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), hệ thống mạng lưới trường, lớp trên địa bàn huyện phát triển đồng bộ từ bậc mầm non đến phổ thông. Chất lượng GD&ĐT có nhiều tiến bộ. Cơ sở vật chất được đầu tư theo hướng tập trung và ngày càng khang trang, đảm bảo cho yêu cầu giảng dạy và học tập. Hiện toàn huyện có 22 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 47,8%. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngày càng được chuẩn hóa và tăng cường.

Ngành Giáo dục huyện hiện quản lý 46 trường với 109 điểm; trong đó, giáo dục mầm non có 10 trường, 18 điểm lẻ; cấp tiểu học có 26 trường, 42 điểm lẻ; cấp trung học cơ sở có 10 trường, 3 điểm lẻ.

Thầy Trịnh Khắc Trung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Hiền (thị trấn U Minh), cho biết: Trường có 220 học sinh, có 2 điểm lẻ. Trong năm học 2017 – 2018, theo phương án sắp xếp trường lớp, thì phải sáp nhập, bởi vì trường nằm trên địa bàn thị trấn, hơn nữa cách Trường Tiểu học Thái Văn Lung và Trường Tiểu học Nguyễn Văn Huyên khoảng 1.000m nên giáo viên và học sinh của trường ghép về hai trường trên, còn lãnh đạo quản lý do Phòng GD&ĐT sắp xếp luân chuyển đến các trường khác trong huyện.

Theo thầy Lâm Bửu Lâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trịnh Minh Hưởng (xã Nguyễn Phích) chia sẻ, điểm trường Kinh 93 có 2 lớp với 23 học sinh của hai khối lớp 3 và lớp 5, bình quân mỗi lớp không quá 12 học sinh; do đó, trong năm học mới sắp tới, sẽ ghép về Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (xã Khánh Lâm). Đồng thời, điểm trường Kinh 31 có 2 lớp với 21 học sinh sẽ chuyển đến Trường Tiểu học Huỳnh Quảng (xã Nguyễn Phích). Bước đầu việc sắp xếp, ghép các điểm lẻ lại điểm chính gặp rất nhiều khó khăn đến từ các bậc phụ huynh, nguyên nhân là quãng đường từ các điểm trường cũ đến các điểm ghép khoảng 4 – 5 km. Tuy nhiên, qua sự tuyên truyền vận động, phân tích của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, đã nhận được sự nhiệt tình ủng hộ của phụ huynh học sinh.

Thầy Hồ Hoàng Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (xã Nguyễn Phích) thông tin, năm học mới này trường xóa một điểm lẻ tại vàm kênh Xóm Mới, điểm trường này có 24 em học sinh thuộc khối lớp 3 và lớp 4, ghép về Trường Tiểu học Vương Nhị Chi cùng xã. “Việc xóa điểm trường này là rất phù hợp với điều kiện giáo dục hiện nay”, thầy Giang nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hữu Luân, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết, theo phương án sắp xếp trường, lớp học và đội ngũ giáo viên trên địa bàn huyện giai đoạn 2017 – 2021, có lộ trình sắp xếp từng bước hàng năm cho phù hợp, điểm trường nào có điều kiện thì sắp xếp trước. Theo kế hoạch, đến năm 2020 huyện sẽ ghép 2 trường, xóa 12 điểm lẻ, chuyển cán bộ quản lý và giáo viên, nhân viên từ trường thừa sang nơi thiếu.

Từ điều kiện thực tế có thể thấy hệ thống trường, lớp trên địa bàn huyện phân tán nhỏ lẻ, số lượng học sinh trên lớp ngày càng giảm, đội ngũ giáo viên bị dàn trải, nguồn đầu tư trang thiết bị dạy học, duy tu sửa chữa hàng năm không đáp ứng yêu cầu, kinh phí sự nghiệp GD&ĐT chi trả lương, chiếm tỷ trọng lớn. Bên cạnh đó, hiện nay giao thông đi lại phát triển, nhu cầu của người dân về đảm bảo chăm sóc giáo dục, y tế ngày càng cao. Vì thế, việc sắp xếp trường, lớp học và đội ngũ giáo viên trên địa bàn huyện là chủ trương lớn của Huyện ủy, HĐND và UBND huyện U Minh, nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ cấu hệ thống trường lớp theo hướng tinh gọn, tập trung, xóa các điểm trường nhỏ, gần các trường khác trong cùng đơn vị xã, thị trấn, xóa dần các điểm lẻ, gom học sinh về học ở các điểm trường chính để thụ hưởng các điều kiện học tập được tốt hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *