Ứng phó kịp thời, có chiến lược, hạn chế tối đa thiệt hại

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ điều trên tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác ngành NN&PTNT năm 2020, chiều ngày 24/12. Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Tham dự tại điểm cầu Cà Mau có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Quốc Việt  và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, các tác động mạnh, ảnh hưởng bất lợi đến ngành nông nghiệp nước nhà năm 2020, đó là: Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản; dịch tả lợn Châu Phi giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên gây không ít khó khăn cho tái đàn, tăng đàn; cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát khi tổng đàn đang rất lớn; lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ở cả 3 miền, nhất là khu vực miền Trung và vùng ĐBSCL; thị trường tiêu thụ một số nông sản có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng những biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật.

Dù có nhiều cố gắng, quyết tâm trong thực hiện đồng bộ các giải pháp, tuy nhiên trước ảnh hưởng của thiên tai, năm 2020 ngành Nông nghiệp Cà Mau bị thiệt hại trên 1.200 tỷ đồng. Ảnh: Mưa lớn kéo dài, cùng với triều cường lên cao lịch sử đã gây ngập lụt, ảnh hưởng nghiêm trọng vùng chuyên lúa tại Cà Mau.

Tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp

Báo cáo tổng kết năm 2020 cho thấy, giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp ước tăng 2,75% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD.

Nêu hàng loạt nhóm nội dung đã và đang tiếp tục được tăng cường, tập trung thực hiện hiệu quả, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh đến cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn gắn với nhu cầu thị trường, tăng tỷ trọng ngành, sản phẩm nông lâm thủy sản có lợi thế và giá trị cao, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Thị trường tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm, chú trọng thị trường trong nước, tháo gỡ nhiều rào cản thương mại, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục mới.

Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới, phát triển cả về số lượng, chất lượng và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động. Khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp ngày càng nhiều, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp. Công tác quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm hàng nông sản tiếp tục được tăng cường, lòng tin của người dân vào nông sản trong nước ngày càng tăng…

Phát triển, nhưng chưa thật sự bền vững

Với tinh thần nhìn thẳng, thấy rõ tồn tại, hạn chế để khắc phục, quyết liệt trong hoạt động thực tiễn và với khát vọng thành công hơn, theo Bộ trường Cường, tăng trưởng của ngành đã qua vẫn có nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc, chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.

Nhận định rõ tình hình trong nước và thế giới còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, Bộ trưởng Cường cho rằng toàn ngành phải có những ứng phó kịp thời, vừa có chiến lược lâu dài để phát triển sản xuất, hạn chế tối đa thiệt hại. Năm đầu thực hiện “Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025”, toàn ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm “Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có”.

Toàn quốc hiện có 94.572 tàu cá, ước sản lượng khai thác đạt 3,82 triệu tấn (tăng 1,2% so với năm 2019), trong đó khai thác biển đạt 3,63 triệu tấn (tăng 1,6% so với cùng kỳ). Ảnh: Đội tàu khai thác hải sản trên ngư trường Cà Mau.

Đề xuất 143.000 tỷ đồng cho ngành Nông nghiệp trong 5 năm tới

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí vốn đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 qua Bộ NN&PTNT đạt chỉ tiêu 5 năm sau cao gấp đôi 5 năm trước, như đã được định hướng tại Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 26/2012/QH13 ngày 21/6/2012 của Quốc hội. Cân đối đủ tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 mà Bộ NN&PTNT đã đề xuất (khoảng 143.000 tỷ đồng) và sớm thông báo số kiểm tra (tổng nguồn) để tổ chức thẩm định nguồn vốn, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư đối với những dự án dự kiến khởi công trong các năm đầu kỳ trung hạn.

“Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra bất thường và khó đoán định, tác động của việc sử dụng nước thượng nguồn và suy giảm rừng như hiện nay, giai đoạn 2021 – 2025, đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo xây dựng, thực hiện chương trình riêng đầu tư đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ chứa thủy lợi và dành nguồn lực thích đáng cho chương trình này“, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *