Ứng phó với dịch tả heo châu Phi: Giảm tổng đàn, bớt thiệt hại

Từ khi triển khai phòng chống dịch tả heo châu Phi đến nay, tỉnh đã sử dụng hơn 8.000 lít hóa chất sát trùng tại các chốt trạm, trang trại, hộ chăn nuôi và cho tiêu hủy heo bệnh.

Quyết tâm dập dịch

Từ 2 ổ dịch tả heo châu Phi được phát hiện đầu tiên vào ngày 25/5 trên địa bàn xã Phú Mỹ (huyện Phú Tân) và xã Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển), dịch lây lan đến địa bàn các xã Hàm Rồng (huyện Năm Căn) và Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời), Tân Dân (huyện Đầm Dơi) và mới đây là xã Phú Tân (huyện Phú Tân). Đáng nói là tình hình tại vùng dịch còn diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan nhanh. Tính đến ngày 14/6, tổng số heo đã tiêu hủy là 217 con.

Ngay khi xuất hiện ổ dịch tả heo châu Phi, các địa phương đã huy động lực lượng tiêu hủy toàn bộ số heo bị nhiễm bệnh, tổ chức phun xịt tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực ổ dịch đúng quy định; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là tại các xã đang xảy ra dịch bệnh, tránh lây lan trên diện rộng, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi. Trên địa bàn các huyện có dịch, đã ban hành quyết định công bố dịch bệnh và tăng cường triển khai thành lập các chốt kiểm soát việc vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh thành lập nhiều đoàn kiểm tra đột xuất từ các cơ sở giết mổ đến tận hộ chăn nuôi, để nắm tình hình và có hướng chỉ đạo sát sao. Trao đổi với hộ chăn nuôi tại xã Hưng Mỹ (huyện Cái Nước), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử yêu cầu người dân hạn chế sử dụng thức ăn thừa cho heo ăn, nếu có phải được nấu kỹ lại; khử trùng trước khi vào khu vực chuồng nuôi. Đặc biệt là theo dõi, nắm bắt thông tin tuyên truyền về dịch tả heo châu Phi để hiểu đúng và phối hợp tốt với địa phương trong công tác phòng chống.

Tỉnh vận động, khuyến khích thu mua, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ heo nội tỉnh có kiểm soát.

Theo dự báo, khả năng phát tán, lây lan bệnh dịch tả heo châu Phi trên diện rộng là rất cao. Vì thế tỉnh chỉ đạo kiểm soát chặt việc vận chuyển heo trên các tuyến đường giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, từ vùng có dịch qua địa bàn không dịch. Tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức, lưu ý trên hệ thống truyền thanh xã, ấp, loa di động; giao cán bộ tuyên truyền đến trang trại, cơ sở giết mổ, hộ chăn nuôi để người dân hiểu và thực hiện “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt; không vứt heo chết ra môi trường). 

Đối với heo con, heo thịt, hỗ trợ với mức tối thiểu 80% giá thị trường. Đối với heo nái, heo đực giống đang khai thác, hỗ trợ 1,5 lần so với mức hỗ trợ các loại heo khác tại thời điểm và tại địa phương có dịch bệnh xảy ra.

Cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi, cùng với hố tiêu độc, sát trùng tại Trạm Kiểm dịch động vật Cây Trâm, tỉnh thống nhất xây dựng thêm hố tiêu độc, sát trùng tại Trạm Kiểm dịch động vật Quản lộ Phụng Hiệp, đồng thời đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét hỗ trợ 20.000 lít Benkocid để tăng cường vệ sinh tiêu độc khử trùng. Ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thông tin: “Do công tác tiêu hủy chủ yếu là chôn lấp nên việc phun xịt hóa chất sát trùng phải liên tục trong thời gian dài. Bên cạnh đó, nhiều trạm, chốt kiểm dịch, ngoài phun xịt hóa chất còn hình thành các hố khử trùng cho các xe lăn bánh nên nhu cầu về hóa chất khử trùng là rất lớn. Từ khi triển khai phòng chống dịch đến nay, tỉnh đã sử dụng hơn 8.000 lít hóa chất, trị giá gần 1,4 tỷ đồng”.

Giải pháp giảm thiểu thiệt hại

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo các huyện, TP. Cà Mau khẩn trương thống kê, gửi danh sách từng cơ sở, hộ chăn nuôi (có tên, địa chỉ, số điện thoại cụ thể) và tổng đàn heo (có phân loại heo thịt, heo nái, heo đực giống, heo con và heo con theo mẹ); thống kê bổ sung cơ sở giết mổ, vận chuyển, mua bán heo và thịt heo trên từng địa bàn. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trường hợp địa phương thống kê sót, khi cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện hộ nơi xảy ra dịch bệnh không có trong danh sách thống kê, Chủ tịch UBND cấp huyện, xã có liên quan chịu trách nhiệm về kinh phí hỗ trợ khôi phục sản xuất và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Trên cơ sở đó, tỉnh tính toán mức hỗ trợ phù hợp để người dân yên tâm lao động sản xuất. Vì thế, sau tiêu hủy heo, địa phương có biên bản rõ ràng, hộ được nhận hỗ trợ chọn ngân hàng để nhận tiền, tỉnh sẽ chuyển tiền cho huyện phân bổ. Trước mắt tỉnh sẽ sử dụng nguồn quỹ dự phòng cho việc hỗ trợ, trường hợp nếu ngân sách tỉnh thiếu thì xin hỗ trợ từ Trung ương.

Tỉnh khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay sử dụng thịt heo rõ nguồn gốc và các sản phẩm chế biến từ thịt heo an toàn. Trong tình hình dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp, người chăn nuôi có thể tạm thời chuyển hướng sang chăn nuôi các con vật khác, chờ dịch đi qua, không nên nôn nóng tái đàn.

Trước tình hình dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, ngành Thú y đang trình phương án giảm quy mô đàn heo thịt của nông hộ, để giảm thiệt hại trong công tác phòng, chống. Theo đó, các địa phương vận động, khuyến khích các đối tượng thu mua, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ heo nội tỉnh có kiểm soát. Ông Nguyễn Thành Huy tính toán: Tỉnh có tổng đàn heo trên 70.000 con, trong đó chăn nuôi nhỏ lẻ khoảng 53.000 con, còn lại là nuôi quy mô trang trại. Hiện mỗi ngày toàn tỉnh tiêu thụ từ 400 – 500 con heo (giảm gần 50% khi chưa có dịch), với số heo trong nông hộ khoảng 53.000 con, nếu thực hiện theo cách trên sẽ giảm dần số heo tổng đàn và giảm bớt thiệt hại cho người dân, cũng như giảm kinh phí cho công tác phòng chống dịch.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *