Vàm Lung Ranh bao giờ người dân an cư, lạc nghiệp?

SỐNG NHƯ “ỐC ĐẢO”

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (chủ đầu tư Dự án), xuất phát từ Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, đòi hỏi phải có dự án để bố trí vốn. Khi ấy, Vàm Lung Ranh là một trong 3 cụm dự án TĐC rừng phòng hộ ven biển Tây của huyện U Minh, gồm: Vàm Tiểu Dừa, vàm Hương Mai (xã Khánh Tiến) và vàm Lung Ranh (xã Khánh Hội). Bởi thời điểm đó, chờ đợi sự sắp xếp dân cư dưới rừng tràm phải mất một thời gian khá dài. Với sự thiết tha của huyện khi dân cư phần lớn không có đất ở, cũng như tranh thủ nguồn vốn của Chính phủ, nên chủ đầu tư quyết định chọn Lung Ranh làm điểm xây dựng.

Ông Trương Minh Hoàng (bìa trái), Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, trong một lần cùng các ngành chức năng của tỉnh khảo sát tại Khu tái định cư Vàm Lung Ranh.

Quy mô ban đầu, dự án sẽ quy hoạch định cư cho 129 hộ. Qua hai đợt xét duyệt, Hội đồng cấp đất huyện xét cho 117 hộ dân tộc Khmer, trong đó có 113 hộ thuộc diện hộ nghèo. Đến nay, đã có 96 hộ nhận đất cất nhà, trong đó có 75 hộ thực ở. Đã thực hiện được 8/11 hạng mục của dự án, còn 3 hạng mục chưa đầu tư, gồm: Trường mẫu giáo, nhà vá lưới và trụ sở sinh hoạt văn hóa.

Không thể phủ nhận những điều tốt đẹp đang hiện hữu nơi đây. Song, tuy cách trung tâm xã Khánh Hội không xa, nhưng vàm Lung Ranh không khác gì một “ốc đảo”, hầu hết các hộ ở khu TĐC đều không có đất sản xuất, thiếu vốn, làm thuê, vá lưới theo thời vụ, thu nhập chưa ổn định. Ngoài ra, các hạng mục công trình đầu tư chưa đồng bộ, một số hạng mục đang trong quá trình xuống cấp cần phải sửa chữa, người dân chưa quen với điều kiện tại khu ở mới nên tỷ lệ thoát nghèo thấp.

Ông Huỳnh Hoàng Tương, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, đề xuất đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số hạng mục; san lấp hết phần diện tích còn lại ở phía đông khu dân cư. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn phù hợp để người dân tạo việc làm, tăng thu nhập; tăng mức hỗ trợ di dời và cất nhà để đảm bảo hơn cho đời sống người dân. “Cái khó nhất của địa phương hiện nay là tình trạng sau khi nhận đất, một số hộ bỏ trống, lén lút sang bán hoặc cất nhà tạm bợ, sau đó bỏ hoang và tiếp tục mưu sinh dọc ven đê hay ngoài cửa biển. Thêm vào đó, hộ nghèo ở xã khác đến cư trú, tạo áp lực cho công tác xóa nghèo càng đè nặng lên địa phương, nhất là đối với hộ đồng bào dân tộc. Theo kế hoạch, khu TĐC sẽ bố trí cho các hộ chủ yếu là người Khmer nghèo không đất ở. Nhưng chưa gì dân đã bỏ đi, vấn đề này cũng đang làm đau đầu chính quyền sở tại”, ông Tương nói. Theo dự án, khu TĐC này chỉ dừng lại ở việc xây dựng cơ sở hạ tầng: Nhà lồng chợ, đường giao thông nội hạt, đầu tư hệ thống điện và nước sinh hoạt, mà không đầu tư nhà ở cho người dân. Được biết, người được TĐC ngoài được cấp nền nhà 300m2 và mức hỗ trợ 20 triệu đồng tiền di dời cộng với 6 tháng gạo ăn, còn lại sẽ phải tự xây dựng nhà để ở. Đây cũng là bài toán khó cho chính quyền địa phương cũng như người dân của khu TĐC này.

Hầu hết các hộ ở khu tái định cư đều không có đất sản xuất, thiếu vốn, làm thuê, đan và vá lưới theo thời vụ, thu nhập chưa ổn định.

Khảo sát một số hộ nhận đất nhưng chưa vào khu TĐC cất nhà để ở, hầu như tất cả các hộ đều có chung suy nghĩ: “Vào đó sẽ ở đâu khi điều kiện kinh tế khó khăn không thể tự xây dựng nhà để ở, rồi sẽ sống thế nào khi nghề nghiệp không có”. Chị Trần Kiều Trang bộc bạch: “Chỗ ở này đường đi xa quá, lại tách biệt với các điểm trường học, đưa con vào đó sợ con không đi học được. Lại thêm không biết nghề gì ngoài làm cỏ mướn, ra ngoài đó sao sống được”. Anh Trương Hoàng Minh, nhân viên an ninh khu vực, cho biết: “Cuối năm 2014, tôi và nhiều gia đình khác vào khu TĐC Lung Ranh nhận nền, xây nhà, với ước mong an cư lạc nghiệp. Ngoài việc được cấp nền, các hộ dân còn được hỗ trợ 20 triệu đồng. Thời gian đầu ai cũng mừng ra mặt, nhưng giờ thì họ đã bỏ nhà đi gần hết, vì ở đây đâu có việc gì làm”.

Ông Ngô Bá, người dân sống trong khu TĐC, bức xúc: “Nhà lồng từ lúc xây xong tới giờ chợ chưa một lần hoạt động, vì dân ở đây nghèo khó thì lấy ai vào chợ nhà lồng mà mua bán”.

PHẢI TÍNH ĐẾN HIỆU QUẢ

Nan giải lớn nhất của dự án hiện nay chính là nguồn vốn cất nhà chưa thể tìm được. Bởi dự án này không gắn vào được các chương trình nhà ở xã hội. Trong lần khảo sát thực tế khu TĐC vàm Lung Ranh vào thời điểm cách nay hơn một năm, ông Trương Minh Hoàng, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, đánh giá: “Trung bình mỗi hộ đã được đầu tư 190 triệu đồng mà người dân vẫn chưa lấy được nước xài, chưa có điện thắp sáng, chưa có nhà ở. Với mức hỗ trợ đó cũng không thể làm gì được, người dân vào ở cũng không có việc để làm. Cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm giữa chủ đầu tư và chủ dự án. Khi xác minh đối tượng đưa vào khu TĐC, cần vận động, tạo tâm lý để họ yên tâm. Đồng thời phải tính đến hiệu quả của dự án, tránh tình trạng xây dựng khu TĐC rồi bỏ hoang, gây lãng phí tiền bạc của Nhà nước”.

Vàm Lung Ranh.

Để tìm giải pháp căn cơ, bền vững cho dự án, ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Trước mắt, ngành chức năng sẽ tiếp tục động viên các hộ dân còn lại vào ở; rà soát, khảo sát lại, đào tạo nghề, đặc biệt chú trọng các nghề phù hợp với điều kiện vùng biển. Một số hạng mục còn lại: Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trường mẫu giáo, trường tiểu học… sẽ được tiếp tục đầu tư, nhằm ổn định đời sống lâu dài của người dân”. Phát biểu trong cuộc khảo sát mới đây, ông Trần Chánh Quang, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh: “Thời gian tới, sẽ tiến hành điều tra, thu thập, đánh giá lại tình hình khu TĐC vàm Lung Ranh; xem lại các hạng mục của dự án, tiến hành công tác bảo hành những hạng mục còn thời gian bảo hành, nhất là phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả cho đồng bào dân tộc Khmer nghèo nơi đây”.

Nhà lồng chợ tại khu tái định cư xây dựng xong, nhưng chưa một lần hoạt động.

Để dự án TĐC vàm Lung Ranh không đi theo “vết xe đổ” như một số dự án đã từng được nhắc đến trước đây của Cà Mau, các đơn vị có liên quan cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện cũng như tìm những nguồn vốn hỗ trợ, những giải pháp hữu hiệu để người dân TĐC có nơi ăn chốn ở ổn định. Đồng thời, chính quyền địa phương nên tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân TĐC nâng cao ý thức tự vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *