Về Cà Mau du lịch tâm linh

Cà Mau là vùng đất mới hình thành chỉ hơn 300 năm nhưng rất giàu bản sắc văn hóa. Trên địa bàn tỉnh có những di sản văn hóa rất giá trị, không kém phần đặc sắc và có ý nghĩa đối với du khách. Trong đó phải kể đến các đền thờ, phủ thờ Bác Hồ và những đình, chùa nổi tiếng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia, thu hút rất đông du khách.

Ngoài công trình điểm nhấn là Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở TP. Cà Mau, tại khắp các địa phương trong tỉnh có nhiều đền thờ, phủ thờ Bác Hồ thể hiện tấm lòng nhân dân Cà Mau đối với Vị Cha già kính yêu của dân tộc, như: Các Đền thờ Bác Hồ tại thị trấn Đầm Dơi (huyện Đầm Dơi), thị trấn Cái Nước (huyện Cái Nước), xã Tân Hưng Tây (huyện Phú Tân) và ở xã Viên An (huyện Ngọc Hiển)… Đặc biệt, Phủ thờ Bác Hồ tại ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực (huyện Thới Bình), vừa là di sản văn hóa tinh thần của người dân ở địa phương, vừa là điểm sáng để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng. Nằm cách Quốc lộ 63 khoảng 5km và cách trung tâm huyện Thới Bình khoảng hơn 15km, Phủ thờ Bác Hồ ở Trí Lực là địa điểm du lịch thu hút đông khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, viếng Bác, tỏ lòng biết ơn sâu sắc với công lao to lớn của Người. Cùng với những ngôi chùa nổi tiếng trên địa bàn TP. Cà Mau: Quan Âm cổ tự, chùa Kim Sơn, chùa Từ Quang, chùa Bà Mã Châu…, chùa Thiền Lâm (tọa lạc tại phường Tân Thành) là một trong những ngôi chùa đẹp và uy nghi. Cách trung tâm thành phố chừng 6km, chùa nằm bên dòng sông Tân Thành thơ mộng, giữa vùng lúa, hoa màu, cây trái xanh ngắt. Với vị trí đẹp, chùa Thiền Lâm không chỉ là nơi chiêm bái mà còn là điểm đến tham quan của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh.Cùng cộng cư với người Kinh và Hoa trên vùng đất Cà Mau, đồng bào dân tộc Khmer có nền văn hóa hết sức đa dạng và phong phú, được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Những ngôi chùa và lễ hội ở các ngôi chùa Khmer trên địa bàn tỉnh là một trong những nét văn hóa, tín ngưỡng của người Khmer Nam Bộ nói chung, người Khmer Cà Mau nói riêng, luôn thu hút đông đảo du khách. Đặc biệt là chùa Monivongsa Bopharam ở Phường 1, TP. Cà Mau. Chùa được xây dựng từ năm 1964, trên khuôn viên rộng khoảng 230m2, gồm: Chính điện, sa la, tháp để cốt; được các nghệ nhân khắc họa, tô điểm với những đường nét hoa văn tinh xảo. Bức tượng Phật khổng lồ gây ấn tượng đặc biệt, với tư thế nằm ngang, tay phải kê đầu, khuôn mặt thanh thoát, toát lên sự ung dung tự tại. Tại đây hàng năm diễn ra rất nhiều nghi lễ tôn giáo, thu hút rất đông phật tử đến tham quan, chiêm bái.Đất Mũi với vị trí địa lý ở cực Nam Tổ quốc, đã trở thành điểm đến thiêng liêng trong lòng nhân dân khắp mọi miền đất nước. Tượng Mẹ bằng chất liệu đá trắng cao 4,5m với những đường nét tỉ mỉ và hết sức công phu, mang vẻ đẹp thanh khiết, dịu dàng. Hình tượng người Mẹ cạnh Đền thờ Cha – Lạc Long Quân tại vùng đất cực Nam Tổ quốc, là sự tri ân của lớp con cháu hôm nay với tổ tiên đã “lên rừng, xuống biển” mở mang bờ cõi. Đền thờ Lạc Long Quân và Tượng Mẹ ở Đất Mũi được xem là địa điểm du lịch tâm linh và cũng là điểm tựa tinh thần cho các thế hệ con cháu người Việt luôn giữ và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển thiêng liêng của Tổ quốc.Trong hành trình khám phá Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), du khách đừng quên ghé Khai Long, với bãi cát và phù sa luôn bồi thêm ra biển, như nối Hòn Khoai gần hơn với đất liền. Vào năm 2008, tại Khu du lịch Khai Long đã tác tạo, tôn tượng đức Bồ Tát Quan Thế Âm cao 20m, hướng nhìn ra biển Đông. Hàng năm, nơi đây đón hàng chục ngàn lượt khách đến vãn cảnh, chiêm bái, nghe giảng kinh hay dự các nghi lễ Phật giáo. Đặc biệt, nằm trong quần thể du lịch Khai Long còn có chùa Khai Long, là sự kết hợp của nhiều yếu tố truyền thống, phong thủy và cổ kim. Đây là một nơi tâm linh và thờ cúng của người dân miền Đất Mũi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *