Vệt màu đen trên sông Gành Hào là do tù đọng!

Ông Hưng cho rằng khu vực bến sông có trũng vào, tồn đọng chất thải hữu cơ lâu ngày nên nước chuyển màu đen.

“Họ (Công ty Đại Phát – PV) có hệ thống xử lý nước rất lớn, dư sức xử lý nước thải”, ông Hưng thông tin, đồng thời cho biết trong quá trình san lắp nền tại khu vực phía trên của Công ty Đại Phát, do thiếu che chắn nên khả năng xảy ra phán tán bụi tro ra môi trường.

Ông Hưng cho biết là đã đề nghị Công ty trám lấp các lỗ thủng tường tại khu vực sản xuất tiếp giáp với bờ sông Gành Hào; nạo, vét, khơi thông dòng chảy, tránh tù đọng nước tại khu vực bến sông Gành Hào, nhằm đảm bảo cho dòng nước không bị ô nhiễm; tạo vách ngăn bằng bờ đất tại khu vực tiếp giáp với Công ty Thịnh Long để xác định trách nhiệm cụ thể của cơ sở nào khi để vùng nước sông Gành Hào bị ô nhiễm.

Chỉ có thể khẳng định chưa phát hiện, chứ không khẳng định là không có xả thải lén

Hình ảnh này được phóng viên Đất Mũi Online ghi nhận tại hiện trường vào ngày 14/4 vừa qua. Sau 6 ngày, ghi nhận tại hiện trường ngày 19/4 cho thấy, hình ảnh những vệt nước đen sau nhà máy vẫn còn tồn tại dù trong một ngày triều cường liên xuống liên tục, tạo dòng chảy ra mạnh qua khu vực này. Dư luận đặt câu hỏi là “bãi bùn” ngay phía sau nhà máy với nguồn nước đen do ai tạo ra và có gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường, hoạt động nuôi trồng thủy sản…?Nguồn nước phía sau nhà máy và một phần sông Gành Hào tách biệt hoàn toàn.

Tại buổi làm việc với phóng viên Đất Mũi Online vào sáng nay 23/4 (cùng dự có đại diện Cảnh sát môi trường – Công an tỉnh, Ban Quản lý các khu kinh tế tỉnh), ông Trịnh Văn Lên – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, nói: “Đến giờ chúng tôi chỉ có thể khẳng định chưa phát hiện, chứ không khẳng định là không có xả thải lén. Chúng tôi có chuyên môn, nhưng cũng khó phát hiện nếu có xảy ra”.

Dẫn chứng vấn đề này, ông Lên liên hệ việc Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) phát hiện xử phạt Công ty TNHH Kỹ nghệ sinh hóa Thịnh Long (Khu công nghiệp Hòa Trung) có hành vi xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải từ 5m3/ngày đến dưới 10m3/ngày… ra môi trường, với số tiền 360 triệu đồng (tháng 10/2019).

“Chúng tôi cũng rất bất ngờ. Mình cũng đi hằng ngày, kiểm tra thường xuyên, chứ có phải bao che, nương tay gì đâu, nhưng không phát hiện”, ông Lên trần tình.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, các doanh nghiệp luôn luôn tìm mọi cách để xả thải không qua xử lý, bởi chi phí xử lý cho 1m3 khối nước thải là lớn. Ngay cả khi có hệ thống xử lý nước thải thì họ cũng không muốn xử lý vì ngại phát sinh chi phí. Khi không còn đường nào xả thải lén thì họ mới buộc đưa qua xử lý, còn không thì họ thực hiện ngay.

Sẽ cho lắp đặt điện kế và camera giám sát việc xả thải

Ông Trịnh Văn Lên thông tin, UBND tỉnh vừa phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường, đang chuẩn bị triển khai thực hiện. Theo đó, UBND tỉnh cho phép việc lắp đặt điện kế và camera giám sát việc xả thải.

“Anh có hệ thống xả thải, nhưng phải gắn đồng hồ điện kế, để từ đó khẳng định có vận hành hay không. Căn cứ vào lượng điện tiêu thụ sẽ tính ra lượng mét khối nước thải được xử lý. Đây là việc làm thể hiện tính công khai, minh bạch. Tỉnh sẽ sử dụng nguồn ngân sách địa phương thực hiện nội dung này, tập trung tại các doanh nghiệp có nguy cơ xả thải”, ông Lên chia sẻ.

“Chưa có khu công nghiệp nào “lạ” như Hòa Trung của mình”, ông Lên nêu thực tế, đó là người dân sống xen kẽ với các nhà máy chế biến, như thế là không phù hợp quy định hiện hành; đồng thời cho rằng chỉ có thể kiềm chế phát tán mùi hôi, chứ không thể ngăn không gây ô nhiễm môi trường từ mùi mang tính đặc trưng trong chế biến thủy hải sản, mà quy chuẩn về mùi, làm cơ sở để xử phạt thì hiện lại không có.

Theo thông tin từ Đoàn kiểm tra sau phản ánh của Đất Mũi Online, đã phát hiện hệ thống xử lý xả nước mưa tại Công ty TNHH Kỹ nghệ sinh hóa Thịnh Long thấp hơn khá nhiều so với mặt nước sông, nhất là khi nước lớn, tràn vào bên trong. Việc hệ thống thoát nước mưa lại thấp hơn mặt nước sông là vấn đề cần lưu ý, vì sẽ tạo thuận lợi, điều kiện cho việc xả thải khi có thể, rất khó phát hiện.

Một vấn đề đặt ra hiện nay là vị trí đặt trạm quan trắc, nằm chặn giữa các nhà máy, nếu như các nhà máy phía dưới xả thải lúc nước ròng hay nhà máy phía trên xả thải lúc nước lớn thì trạm sẽ không thể ghi nhận đầy đủ, chính xác các thông số xả thải.

“Cảm ơn các cơ quan thông tin đại chúng đã phản ảnh sự việc, đặc biệt là Đất Mũi Online đã ghi nhận thực tế, để chúng tôi kịp thời giám sát, xử lý tốt hơn các vấn đề về môi trường và mong cùng tiếp tục đồng hành, góp phần thay đổi nhận thức, để phát triển kinh tế gắn với môi trường sống được trong lành, bền vững hơn trong thời gian tới”.

Ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *