Vì mục tiêu 100 chuỗi liên kết sản xuất

Con tôm là thế mạnh kinh tế chủ lực của tỉnh, thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm.Con tôm là thế mạnh kinh tế chủ lực của tỉnh, thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm.

Phong phú chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản

Thời gian qua, liên kết sản xuất chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản đã mang lại hiệu quả cho các thành phần tham gia. Trong đó, hộ dân sản xuất thủy sản nhận được sự quan tâm ủng hộ của các DN cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu đầu ra; và đặc biệt, các DN luôn mong muốn được tiếp tục đầu tư mở rộng liên kết sản xuất đối với các chuỗi có hiệu quả. Bên cạnh đó, nhận thức của chính quyền địa phương và các hộ dân về kinh tế tập thể, nhất là vai trò hạt nhân liên kết của các HTX, tổ hợp tác trong chuỗi liên kết đã được nâng lên và chủ động hơn trong việc tham gia liên kết. Cùng với đó, các DN và hộ dân tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ các chính sách cho vay theo chuỗi giá trị; DN có vốn, mạnh dạn hợp tác với nông dân.

Cà Mau đang tập trung vào việc xây dựng các dự án nhằm thực hiện 4 dự án mô hình sản xuất liên kết chuỗi sản phẩm ngành hàng chủ lực của tỉnh, gồm: Tôm – rừng; tôm – lúa; lúa 2 vụ và tôm thâm canh hoặc tôm siêu thâm canh. Bên cạnh đó, cần tiến hành xây dựng hợp đồng liên kết chuỗi cho từng dự án; bổ sung nội dung, huy động nguồn lực cho các dự án và xây dựng dự án mới trong liên kết chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản.

Việc phát triển kinh tế trang trại, gia trại và các chuỗi liên kết trong sản xuất thủy sản đang từng bước được hình thành. Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đa số các chuỗi liên kết quy mô nhỏ và chưa hình thành những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; liên kết chuỗi chưa chặt chẽ và khép kín; sản phẩm tiêu thụ thông qua hợp đồng liên kết còn rất thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, chưa thực sự bền vững trong sản xuất kinh doanh…

Manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết là thực trạng của chuỗi liên kết ngành hàng thủy sản được ngành chức năng và các “nhà” có liên quan trong chuỗi nhìn nhận. Giải pháp cho khâu sản xuất, chế biến; phát triển thị trường và sản phẩm; tăng cường liên kết dọc và quản lý chuỗi nuôi trồng thủy sản, thành lập các hiệp hội ngành hàng; cải thiện môi trường kinh doanh thông qua các chính sách thuế, tín dụng đã được đề ra… Trong đó nhấn mạnh, việc thực hiện cam kết, nội quy, quy định đầu vào và đầu ra trong quá trình vận hành sản xuất của DN thủy sản là rất yếu.

Qua hội thảo về chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản vừa được tổ chức, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ghi nhận những ý kiến đóng góp, làm cơ sở để xây dựng giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong liên kết chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản, hỗ trợ để ngành tôm phát triển theo kế hoạch đã đề ra; giúp DN kinh doanh thủy sản phát triển bền vững hơn.

Hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt gần 303.000ha.Hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt gần 303.000ha.

Nâng cao giá trị cho ngành hàng chủ lực

Hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt gần 303.000ha, trong đó có hơn 280.000ha nuôi tôm, gồm: Nuôi tôm công nghiệp 8.720ha (nuôi tôm siêu thâm canh 2.800ha), nuôi tôm quảng canh cải tiến 150.000ha, còn lại là diện tích nuôi tôm – lúa, tôm – rừng và nuôi kết hợp (quảng canh). Thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với tổng sản lượng thủy sản 5 năm (2015 – 2020) đạt 2,7 triệu tấn, bình quân tăng 3,7%/năm.

Hiện tỉnh bước đầu đã hình thành được các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng được các vùng nuôi tôm có chứng nhận trong nước và quốc tế (VietGAP, ASC, B.A.P, Selva shrimp…); phối hợp với Tổ chức đánh giá chứng nhận hỗ trợ cho các hộ nuôi tôm thực hành theo tiêu chuẩn VietGAP, đã cấp giấy chứng nhận cho 99 hộ/100ha nuôi tôm quảng canh cải tiến, giúp đưa mặt hàng tôm Cà Mau có ở 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Xác định con tôm là thế mạnh kinh tế chủ lực của tỉnh, thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm; Đề án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Quy hoạch, phát triển vùng nuôi thủy sản nước ngọt, nuôi tôm sinh thái và từng bước phát triển nuôi ven biển, ven sông ở những nơi có điều kiện. Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các trại giống thủy sản, tiến tới đáp ứng phần lớn nhu cầu con giống trong tỉnh.

Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu cải tiến quy trình nuôi tôm sinh thái để nâng cao năng suất và hiệu quả; tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành vùng nuôi quy mô lớn có sự quản lý của cộng đồng và sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường. Nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng và chuyển giao khoa học – kỹ thuật trong sản xuất, kiểm soát dư lượng kháng sinh, hóa chất cấm, đảm bảo nguồn tôm sạch chất lượng cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Châu Công Bằng nhận định: “Năm 2020 là năm chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến ngành tôm. Hiện ngành Nông nghiệp tỉnh đang tập trung xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng liên kết sản xuất, tìm cách tháo gỡ khó khăn; tiến tới xây dựng vùng nuôi đạt chứng nhận, đảm bảo truy xuất nguồn gốc để tiêu thụ hàng ra thị trường quốc tế”.

Tới đây, ngành hàng thủy sản Cà Mau sẽ phát triển chuỗi giá trị theo chiều sâu (gia tăng giá trị sản phẩm) thay vì theo chiều rộng (gia tăng sản lượng để gia tăng giá trị), thông qua các hình thức liên doanh, liên kết nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trong tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. DN chế biến xuất khẩu cần minh bạch trong cung cấp các thông tin thị trường và yêu cầu chất lượng sản phẩm của khách hàng cho các tác nhân tham gia chuỗi; phát triển chuỗi giá trị phải hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia chuỗi giá trị.

Thiết nghĩ, chúng ta cần xây dựng hệ sinh thái đồng bộ cho chuỗi liên kết này: Quy hoạch vùng về nguyên liệu, phương thức sản xuất, nhà máy chế biến, trung tâm nghiên cứu, trung tâm hỗ trợ nông dân và chính sách tín dụng, xúc tiến thương mại. Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết các khâu trong chuỗi giá trị, tổ chức lại mô hình các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ theo hình thức hợp tác, liên kết thành các tổ chức cộng đồng, HTX, nhằm tăng cường giúp đỡ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn cho chuỗi hoạt động xuất khẩu của các DN thủy sản.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *